Doanh nghiệp cần thêm nguồn hỗ trợ
Mặc dù đã được ngành ngân hàng hỗ trợ, song các doanh nghiệp (DN) vẫn mong muốn kéo dài các chính sách hỗ trợ thiết thực để giảm thêm những khó khăn, như khoanh nợ, giãn nợ, giảm bớt thủ tục vay, giảm lãi suất, đồng thời sớm triển khai chính sách hỗ trợ vốn theo Chương trình phục hồi kinh tế.
Tiếp cận thêm ưu đãi
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Còn theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/3/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).
Tất cả các dữ liệu cho thấy sức bật của nền kinh tế Việt Nam đang được đánh giá cao, tạo cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với tín dụng chung, tín dụng ở 2 đầu cầu kinh tế đất nước cũng tăng khá mạnh. Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 3, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 2,8% so với thời điểm kết thúc năm 2021. Tại TPHCM, tính đến 1/3/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh đã tạm lắng xuống, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục được cải thiện nên sức cầu vốn tăng, cùng với nỗ lực hạ lãi suất đã giúp tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá tốt.
Thời gian qua để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều chương trình, chính sách tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN trong đó có nhiều chính sách đặc thù như: chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, chương trình cho vay hỗ trợ tổn thất trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Ngành ngân hàng cũng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ DN, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Tuy nhiên, mong muốn của DN được tiếp cận nhiều hơn các ưu đãi.
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Công ty May Thiên Sơn chia sẻ: Thời gian qua tất cả DN đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chúng tôi ghi nhận việc NHNN, các tổ chức tín dụng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ DN như khoanh nợ, giãn nợ, giảm phí, giảm lãi suất.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng chia sẻ mong muốn các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, xem xét cho vay vốn bổ sung bù đắp chi phí phụ trội, xem xét tăng hạn mức cấp tín dụng, xem xét cho vay tín chấp, tiếp tục giúp DN tiếp cận vốn nhanh chóng để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng diễn ra mới đây tại tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Việt Tâm - Chủ tịch hiệp hội DN Sầm Sơn thông tin, thời gian qua gần như 100% DN du lịch, dịch vụ tại Sầm Sơn không có doanh thu và gặp vô vàn khó khăn. Đánh giá các giải pháp của các ngân hàng là rất sớm và đầy đủ, tuy nhiên, theo ông Tâm thời gian tới ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất và tiếp tục các chính sách hỗ trợ vì khó khăn vẫn còn kéo dài.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn diễn biến phức tạp đã, đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, DN bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng.
Chính vì vậy, thời gian tới, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Phối hợp các bộ, ngành, đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sau khi Nghị định được ban hành.
Về phía DN, bà Hồng cũng cho rằng, cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các chính sách hỗ trợ phù hợp của các tổ chức tín dụng.
Tính đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ