Lỏng lẻo quản lý đất lâm nghiệp, dân chịu thiệt
Một diện tích rừng trong tổng số hơn 160 ha rừng tại xã Hồng Tiến (nay là xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) mà Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Hương bàn giao cho địa phương này quản lý đã bị lấn chiếm, trồng keo, tràm suốt nhiều năm qua. Vậy, đơn vị nào chịu trách nhiệm cho việc này?
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã có thông tin về việc nhiều hộ dân sống tại xã Hồng Tiến cũ (nay là xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) mong mỏi và đã nhiều lần đề xuất, nhiều năm trời chờ đợi nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất rừng để sản xuất.
Diện tích rừng mà người dân mong mỏi được thuê để sản xuất đang được nhắc tới là hơn 160ha mà BQL rừng phòng hộ Sông Hương đã bàn giao cho xã Hồng Tiến vào năm 2015, 2016.
Đáng nói, một phần diện tích rừng nói trên đã bị một số người dân lấn chiếm để trồng keo tràm. Sự việc đã được người dân phản ánh trong buổi tiếp xúc cử tri. Đồng thời, Chủ tịch UBND xã Bình Tiến Nguyễn Trung Kiên cũng đã xác nhận chuyện này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hòa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Tiến (trước đó là Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến) cho biết, sau khi ký biên bản chuyển giao (năm 2015, 2016), phía UBND xã Hồng Tiến đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục pháp lý để địa phương có cơ sở lập phương án sử dụng đối với toàn bộ diện tích nói trên.
Tuy nhiên, đến năm 2021 các thủ tục bàn giao toàn bộ diện tích rừng nói trên cho địa phương mới được hoàn tất. Đến nay, phía UBND xã Bình Tiến đang thuê đơn vị đo đạc, cắm mốc và tiến hành công bố rộng rãi cho người dân thuê đất rừng để sản xuất. Dự kiến, trong quý II/2022 thì người dân có thể thuê đất. “Trong khoảng thời gian từ năm 2015, 2016 - 2021 trách nhiệm quản lý hơn 160ha rừng thuộc tiểu khu 126, 127 nói trên thuộc về cả 2 phía là UBND xã và BQL rừng phòng hộ Sông Hương” - ông Hòa cho biết.
Giải thích về việc chậm thu hồi toàn bộ diện tích rừng để giao lại cho phía UBND xã, ông Lê Văn Hòa cho hay, theo quy định của Luật Đất đai thì UBND tỉnh phải tiến hành thu hồi diện tích đất rừng trước đó đã giao cho phía BQL rừng phòng hộ Sông Hương, sau đó giao lại cho phía UBND xã thì lúc đó phía UBND xã mới có cơ sở để đưa ra phương án sử dụng đất, cho người dân thuê đất.
Liên hệ Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Hương Nguyễn Ban, vị này phủ nhận trách nhiệm quản lý đối với hơn 160ha rừng đang nhắc tới từ năm 2015, 2016 đến nay. Vì theo ông Ban, sau khi bàn giao, phía BQL rừng phòng hộ Sông Hương đã hoàn thành nghĩa vụ, do đó trách nhiệm quản lý thuộc về phía UBND xã Hồng Tiến cũ và nay là xã Bình Tiến.
Vậy, gần 10 năm qua, 169,8ha rừng này đã được quản lý sử dụng như thế nào? Đơn vị nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo, tràm nhiều năm nay? Câu hỏi này cần phải có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm sáng tỏ.