Nam Định: Tăng 652 tỷ đồng vốn đầu tư, lùi thời hạn hoàn thành nhà máy rác Mỹ Thành

Duy Hưng 04/04/2022 14:42

Ngoài phê duyệt cho nhà đầu tư điều chỉnh tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng công suất, cho lùi thời gian hoàn thành, chính quyền Nam Định còn phê duyệt bỏ mục tiêu sản xuất điện của dự án nhà máy rác đặt tại xã Mỹ Thành đang bị chậm tiến độ.

Sáng nay, 4/4, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản quyết định của UBND tỉnh, do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Anh Dũng ký, về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc của Công ty CP năng lượng Greenity Nam Định.

Đây là lần thứ 3, UBND tỉnh Nam Định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án trên.

Trước đó, dự án được UBND tỉnh Nam Định ra quyết định chủ trương đầu tư (số 2322/QĐ-UBND ngày 22/10/2019), sau đó đã có 2 lần quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (số 2889/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 và số 1823/QĐ-UBND ngày 27/07/2020) đối với dự án này.

Ấn định thời gian khởi công trong tháng 5/2022

Theo nội dung văn bản quyết định điều chỉnh lần thứ 3, ngoài phê duyệt điều chỉnh thông tin nhà đầu tư (ông Lại Như Ý thay ông Lại Quang Trung làm giám đốc công ty-PV), chính quyền Nam Định còn phê duyệt điều chỉnh về tên dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, tổng vốn đầu tư.

Văn bản quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nam Định.

Trong đó, tên dự án được điều chỉnh từ “Nhà máy điện rác Greenity Nam Định" thành “Xây dựng khu xử lý rác thải".

Mục tiêu dự án từ “Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại; sản xuất điện từ chất thải; tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" điều chỉnh thành “Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại; tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" (bỏ mục tiêu sản xuất điện từ chất thải-PV).

Quy mô dự án từ "Công suất xử lý khoảng 300 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm và phát điện với công suất khoảng 6MW. Trong đó công suất xử lý rác thải sinh hoạt chưa phân loại khoảng 250 tấn/ngày đêm, rác thải công nghiệp thông thường khoảng 50 tấn/ngày đêm; sử dụng công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản" điều chỉnh thành "Xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công suất xử lý khoảng 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm bằng Công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản"(tăng công suất xử lý rác gần 200 tấn ngày/đêm; bỏ nội dung phát điện-PV).

Đáng chú, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án từ 785 tỷ đồng tăng lên 1.437,039 tỷ đồng (tăng hơn 652 tỷ đồng-PV).

Tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ “tiếp nhận rác và xử lý rác bằng công nghệ cuốn bao bắt đầu từ ngày 31/10/2020; hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Greenity Nam Định vào tháng 12/2021" thành “Khởi công dự án chậm nhất ngày 20/5/2022; hoàn thành, đưa vào hoạt động và tiếp nhận, xử lý rác thải trong năm 2023".

Khi dự án chưa đi vào hoạt động hậu quả của bãi chôn lấp rác thải ở xã Lộc Hòa, TP Nam Định chưa được giải quyết.

Trước đó, trong Tờ trình ngày 31/3, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên, Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Nam Định nêu lý do điều chỉnh mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, tổng vốn đầu tư dự án là để phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Việc tiến độ đầu tư của dự án phải điều chỉnh lùi lại, sở cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hơn 20 năm ăn, ngủ cạnh… bãi rác

Theo tìm hiểu của Đại đoàn kết Online, việc đầu tư dự án nhà máy xử lý rác trên gắn liền với nỗi bức xúc của người dân một số thôn làng ở xã Lộc Hòa (TP Nam Định) và các xã liền kề Mỹ Hưng, Mỹ Thành (thuộc huyện Mỹ Lộc).

Nguyên nhân là từ năm 1999, chính quyền tỉnh Nam Định cho “đặt” tại làng Man, xã Lộc hòa (xã ngoại thành TP Nam Định) một bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của toàn bộ TP Nam Định, rộng tới 23 ha; giao Công ty CP môi trường Nam Định thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý.

Đường phố ở TP Nam Định mỗi khi người dân chặn xe thu gom rác vào bãi chôn lấp ở ngoại thành.

Theo thời gian, bãi chôn lấp rác ngày một đầy, mở rộng, “tiến sát” khu dân cư, gây ô nhiễm mùi, không khí, nguồn nước, khiến người dân các thôn làng sinh sống xung quanh bãi rác khổng lồ này bức xúc, nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền ở tỉnh Nam Định có biện pháp giải quyết.

Khi nguyện vọng không được đáp ứng; người dân nhiều lần tập trung ngăn chặn, không cho đơn vị thu gom đưa rác vào bãi. Mỗi lần như vậy rác thải sinh hoạt ở TP Nam Định không được thu gom, tràn ngập phố phường, có những lần kéo dài tới vài ngày.

Từ mấy năm trước, khi xuất hiện thông tin một nhà máy xử lý rác hiện đại sẽ được xây dựng tại xã Mỹ Thành, tiếp đến là thông tin nhà máy này ngoài xử lý rác thải còn sản xuất, phát được điện từ rác…người dân địa phương rất phấn khởi, trông chờ ngày nhà máy đi vào hoạt động, thoát cảnh sống trong ô nhiễm. Tuy nhiên, như đã phản ánh, dự án liên tục được điều chỉnh chủ trương đầu tư, lùi thời gian thực hiện…

Duy Hưng