Sẵn sàng đi học trực tiếp

Hàn Minh 05/04/2022 06:45

Hà Nội đã qua “đỉnh dịch”, các khu vui chơi, giải trí, hàng quán, phố đi bộ... đã mở cửa trở lại. Và cũng từ ngày 6/4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của Hà Nội sẽ đi học trực tiếp. Vậy các trường cũng như phụ huynh học sinh đã chuẩn bị tâm thế như nào để đón học sinh trở lại trường?

Với quyết định của UBND TP Hà Nội, ngày 6/4 học sinh tiểu học và lớp 6 của Hà Nội sẽ cùng với bạn bè đồng trang lứa trên cả nước đến trường học tập, vui chơi. Ảnh: Quang Vinh

Từ 6/4, học sinh từ lớp 1-6 của Hà Nội được trở lại trường học trực tiếp. Thông tin này làm nức lòng các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên Thủ đô bởi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, năm học 2021-2022 sẽ kết thúc. Các trường đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Nhiều phụ huynh ủng hộ học trực tiếp

Theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội, các khối lớp từ 1-6 tại 30 quận, huyện, thị xã được đi học trực tiếp trở lại, bắt đầu từ ngày 6/4. Theo phương án của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), dựa trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, các trường tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp từ lớp 1-6 theo kế hoạch dạy học của trường và tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày.

Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành số 489; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, toàn quận có 25.809 học sinh từ lớp 1-6 và số phụ huynh tham gia khảo sát đạt 100%. Tổng hợp khảo sát ở các khối lớp từ 1-5 trong quận cho thấy tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho con đi học trực tiếp đều trên 80%. Riêng khối lớp 6, có 71,21% phụ huynh đăng ký cho con đi học trực tiếp.

Tương tự, thông tin từ bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết, gần 84% phụ huynh khối tiểu học trên địa bàn quận có nguyện vọng cho trẻ đi học trực tiếp. Trước đó, phòng cũng đã lấy ý kiến khảo sát về việc tiêm vaccine cho trẻ thì có khoảng 80% phụ huynh bày tỏ đồng ý. Về chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch, các phòng cách ly y tế, khẩu trang, dung dịch rửa tay khô… các trường tiểu học và THCS đều đã sẵn sàng từ ngay sau Tết để đón trẻ trở lại trường.

Đặc biệt, ngay trong chiều 4/4 khi nhận thông tin về việc học sinh các khối 1-6 đi học trực tiếp từ 6/4, bà Hằng đã chỉ đạo các trường trên toàn địa bàn khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, sẵn sàng phương án giãn cách, phân luồng học sinh đến trường. “Tâm thế chung là các trường đã sẵn sàng nên dù bất ngờ nhưng các trường đều rất chủ động về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân lực để thực hiện dạy học trực tiếp” - bà Hằng khẳng định.

Chị Trần Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chỉ duy nhất một phụ huynh có con đang học dưới quê suốt từ đầu năm, cũng là người duy nhất chọn không đồng ý đi học trực tiếp trong số 49 phụ huynh của lớp tham gia khảo sát, là bày tỏ lo lắng về việc nếu đi học vài buổi mà có F0, lại quay lại học trực tuyến như nhiều trường hồi tháng 2 thì sẽ rất khó khăn cho phụ huynh và học sinh.

Học sinh tiểu học Hà Nội đến trường đợt tháng 2/2022.

Chỉ 2 tháng cũng vẫn nên học trực tiếp

Là phụ huynh có con đang học lớp 3 trường Tiểu học Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Minh khẳng định, dù chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc năm học, vẫn nên cho trẻ đến trường. “Đến trường không phải chỉ là học kiến thức mà còn là cơ hội để trẻ giao lưu kết nối với thầy cô, bạn bè cùng trang lứa. Bao nhiêu vụ việc đau lòng đã xảy ra trong đó có một phần nguyên nhân là do việc học trực tuyến, trẻ thiếu đi sự sẻ chia, kết nối trực tiếp với bạn bè” - anh Minh nói. Ngay trong thời gian học trực tuyến, với tư cách là trưởng ban phụ huynh của lớp, anh Minh đã đề xuất với thầy giáo chủ nhiệm về việc nên dành thời gian trong mỗi buổi học, thậm chí là những tiết học được giảm tải để học sinh trò chuyện, tương tác với nhau qua nhóm chat Zalo hoặc thông qua việc cùng tham gia một trò chơi, câu đố để trẻ đỡ áp lực.

Thống kê của Bộ GDĐT trước đó cho thấy, Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô lớn và thời gian lâu nhất cả nước. Cuộc sống “bình thường mới” đã trở về bình thường. Hà Nội đã qua “đỉnh dịch”, các khu vui chơi, giải trí, hàng quán, phố đi bộ... đã mở và học sinh được đến trường theo đúng nguyện vọng của các em và phụ huynh là phù hợp. Hiện chỉ còn học sinh mầm non chưa được đến trường.

Theo phương án của Sở GDĐT, dựa trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, các trường tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp từ lớp 1-6 theo kế hoạch dạy học của trường và tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, đi học trực tiếp dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Việc lấy ý kiến để khảo sát là để nắm được quan điểm của phụ huynh chứ không nhằm ép buộc học sinh phải đến trường khi các em và gia đình chưa sẵn sàng. “Dù quyết định đi học trực tiếp thì phòng vẫn chỉ đạo các trường có phương án dạy trực tuyến kết hợp giảng dạy trực tiếp như thời gian qua ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang triển khai với các khối lớp 7-12” - ông Thuận cho hay.

Chia sẻ quan điểm này, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, việc một số phụ huynh vẫn lo lắng chưa đồng ý cho con đến trường thời điểm này là bình thường khi các con vẫn chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi được mở cửa trường học trở lại, học sinh đi học ổn định và an toàn thì có lẽ các bậc phụ huynh cũng sẽ dần thay đổi quan điểm.

Sẵn sàng đón học sinh

Như vậy, với quyết định của UBND TP Hà Nội, học sinh tiểu học và lớp 6 của Hà Nội sẽ cùng với bạn bè đồng trang lứa trên cả nước (trừ Vĩnh Phúc học sinh tiểu học vẫn ở nhà) được đến trường học tập, vui chơi.

Thống kê của Bộ GDĐT trước đó cho thấy, Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô lớn và thời gian lâu nhất cả nước. Cuộc sống “bình thường mới” đã trở về bình thường. Hà Nội đã qua “đỉnh dịch”, các khu vui chơi, giải trí, hàng quán, phố đi bộ... đã mở và học sinh được đến trường theo đúng nguyện vọng của các em và phụ huynh là phù hợp. Hiện chỉ còn học sinh mầm non chưa được đến trường.

Nhìn từ thực tế 100% các nhà trường của Hà Nội đang giảng dạy khối lớp 7-12 đã đi học trực tiếp, số lượng học sinh đến trường học trực tiếp của các trường theo thống kê của Sở GDĐT duy trì ở mức cao khoảng 80% trong vài tuần trở lại đây. Còn lại là các cháu đang ốm hoặc bị F0, F1 thì học trực tuyến. Mặc dù các trường vẫn duy trì song song 2 hình thức nhưng so với thời gian trước, số học sinh học trực tuyến giảm.

Bà Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết hiện tỷ lệ đi học trực tiếp của các khối lớp 7-12 của nhà trường những tuần gần đây gần 90% nên khi học sinh lớp 6 cũng được đi học trực tiếp, càng thuận lợi cho nhà trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy cho các thầy cô. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ về phòng học, trang thiết bị đồ dùng của khối lớp 6 từ lâu nên dù từ khi nhận được thông báo đến khi học sinh trở lại trường chỉ hơn 1 ngày, nhà trường cũng không hề lúng túng.

Đặc biệt, với việc cho phép bếp ăn bán trú của các trường được hoạt động trở lại, các bậc phụ huynh Thủ đô rất phấn khởi vì sẽ bớt được một phần lo lắng về việc đưa đón, sinh hoạt của trẻ. Chính các nhà trường cũng chủ động trong việc sắp xếp lịch học cả ngày cho học sinh để kèm cặp, củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ 2.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, để được mở cửa trường học trực tiếp, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn liên ngành số 489; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; có các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

Chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ

Để giúp con khỏe mạnh, sẵn sàng với những ngày học trực tiếp tại trường trong thời gian tới, cha mẹ cần chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ. Tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ có ứng xử và hướng dẫn khác nhau trên nguyên tắc về vấn đề phòng dịch là đảm bảo an toàn, trên hết là hướng dẫn các cháu về phòng bệnh. Ngoài ra, nếu phát hiện con sốt, mệt, cha mẹ cần thông báo cho nhà trường đồng thời tiến hành xét nghiệm xem con có mình bị mắc Covid-19 hay không.

Để con có một thể trạng tốt nhất thì cha mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng của trẻ, cần cho trẻ ăn đủ chất, cố gắng cho trẻ ăn nhiều bữa.

Một vấn đề cần lưu ý là thời gian vừa qua, học sinh ở nhà quá lâu và một số cháu đã có biểu hiện trầm cảm, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường cùng với cô giáo để phát hiện. Nếu như cháu có những biểu hiện của trầm cảm thì cần giáo dục về tâm lý và điều trị bệnh cho các cháu ngay để chúng ta có một thế hệ lớn lên phát triển bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội):

Chấp nhận, giúp các con phát triển dần dần

Trẻ con chỉ có thể phát triển bình thường khi được giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo… một cộng đồng thích hợp - đó là nhà trường. Gia đình, bố mẹ không thể thay thế vai trò của nhà trường. Nếu chỉ học kiến thức, đọc viết, tính toán, khi ở nhà, dù khó khăn hơn, các con vẫn học được. Nhưng tuổi thơ của các con đâu chỉ có vậy. Trẻ cần chạy nhảy, khóc, cười, đổ mồ hôi, chảy nước mắt để từng bước trưởng thành.

Nay trẻ đã được trở lại trường học, bên cạnh niềm vui, phấn khởi, cha mẹ cần nói chuyện, chia sẻ, thậm chí là lý giải với con về những vấn đề có thể gặp sắp tới trong trường học. Không chỉ về các biện pháp phòng, chống dịch mà nhiều thói quen, nề nếp khi đến trường cần thay đổi so với ở nhà. Chẳng hạn, khi ở nhà trẻ sinh hoạt theo một giờ giấc khác trong khi các con đến trường sẽ tuân thủ theo thời gian biểu ở trường từ học tập, vui chơi, ăn ngủ… Các con cần được chuẩn bị tâm lý và rèn lại nề nếp để thích ứng. Thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong việc rèn nề nếp, hướng dẫn học sinh khi ở trường và cần thực sự bình tĩnh. Bởi trẻ nhỏ “trốn dịch” ở nhà lâu quá. Chúng ta cần biết chấp nhận, giúp các con phát triển dần dần, yêu thương con trẻ hơn bất cứ lúc nào bởi các con đang phải chịu một thời kỳ khó khăn, không mấy khi gặp.

Lâm An(ghi)

Hàn Minh