Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp

H.Hương 05/04/2022 07:51

Trong quý I/2022 có 60.178  doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,5 lần so với trung bình quý I giai đoạn 2017 - 2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng DN đã dần trở lại sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát.

Các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, khả năng ứng phó.

Doanh nghiệp với các cơ hội mới

Tình hình đăng ký DN quý I có nhiều khởi sắc khi số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%.

Đáng chú ý, bình quân 1 tháng có 20.000 DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động và khoảng 17.000 DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, mỗi tháng có khoảng 3.000 DN gia tăng vào thị trường, đây cũng là con số gần bằng với giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong quý I/2022 là 4.335 DN, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. 17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại giảm cho thấy rằng khả năng chống đỡ của DN đã tăng lên rất nhiều, DN đã tìm thấy các cơ hội kinh doanh tốt hơn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Riêng trong tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam lại có đến 18.602 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 3 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 3/2022 là 14.302 DN, với số vốn đăng ký là 193.647 tỷ đồng, tăng 28,0% về số DN và tăng 71,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là mức DN thành lập mới cao nhất kể từ tháng 5/2021.

Tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam lại có đến 18.602 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 3 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 3/2022 là 14.302 DN, với số vốn đăng ký là 193.647 tỷ đồng, tăng 28,0% về số DN và tăng 71,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là mức DN thành lập mới cao nhất kể từ tháng 5/2021

Việc DN thành lập mới, quay trở lại thị trường và DN rút lui khỏi thị trường đều gia tăng cũng được coi như một điều kiện để DN thử sức chống chịu của mình và tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi được hoạt động trong biến động rất nhanh và phức tạp của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, đây là phản ứng hết sức bình thường của nền kinh tế và là sự thích nghi nhanh của các DN trong việc lựa chọn các ngành nghề phù hợp trong từng giai đoạn và sự phản ứng linh hoạt của các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, DN cũng đang có nhiều cơ hội kinh doanh mới. Chẳng hạn một số DN dệt may lớn của Việt Nam như May 10, Dệt may Thành Công, Sợi Thế Kỷ… đều đã có đơn hàng đến quý II và quý III. Tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA và UKVFTA mang lại, trong năm nay, các DN này cũng sẽ tăng tốc đẩy mạnh tiếp cận thị trường châu Âu.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tín hiệu tích cực trong năm 2022 là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (vốn chiếm 11% tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ).

Hay như việc DN Việt mạnh dạn tiến xa hơn ra thị trường quốc tế bằng những cái “bắt tay” với DN nước ngoài. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã chính thức tham gia vào thị trường đồ điện gia dụng tại Indonesia thông qua việc lập liên doanh với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya. Điều này giúp Indonesia là thị trường thứ ba mang về doanh thu cho Thế Giới Di Động, sau Việt Nam và Campuchia (với chuỗi Bluetronics).

Có nhiều cách để hỗ trợ

Sự nỗ lực của DN trong bối cảnh dịch Covid – 19 bủa vây là có thật. Tuy nhiên, điều đáng bàn hiện nay là bên cạnh nỗ lực, DN vẫn cần thêm nhiều tiếp sức từ Chính phủ. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các DN đã được tiếp thêm động lực từ sự kịp thời, thiết thực trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính - tín dụng…Vị chuyên gia này cũng tin tưởng, niềm tin đầu tư, niềm tin thị trường, những tín hiệu tích cực từ cộng đồng DN sẽ đậm nét và bền vững hơn trong thời gian tới.

Còn ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có nhiều cách để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nhưng cách nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế, bởi DN không phải làm thủ tục qua nhiều bộ máy thực hiện.

Giới chuyên gia phân tích, trong quá trình phục hồi kinh tế nói chung, phục hồi DN nói riêng có một ảnh hưởng lớn chưa kịp tính toán đến là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, với 2 tác động lớn như là đứt gãy chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí sản xuất đầu vào, đe doạ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ làm gia tăng quy mô và mức độ tác động đến việc phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chương trình Phục hồi Phát triển kinh tế - Xã hội càng trở nên cần thiết. Thực tế chương trình được thiết kế để hỗ trợ khó khăn cho những DN đang bị ảnh hưởng bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí sản xuất, cũng như những khó khăn về lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía chính sách, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng muốn phát triển trong giai đoạn hiện nay, các DN cũng cần nâng cao tính chủ động, khả năng ứng phó. Đơn cử nếu DN vay vốn nhưng vẫn sử dụng mô hình, cách thức kinh doanh cũ thì khó thành công và ngược lại nếu đổi mới mô hình, đầu tư công nghệ thì nguồn lực hỗ trợ này sẽ trở nên hiệu quả. Theo đó, ông Hiếu cho rằng cần “quyết liệt hơn”. Tinh thần này không chỉ ở cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách mà từ chính DN.

H.Hương