Không xử lý nghiêm, xếp hạng làm gì?
Nếu không xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng tùy tiện trong quá trình tu bổ thì việc xếp hạng di tích sẽ không còn giá trị. Nhiều bài học liên quan đến tu bổ di tích trên khắp cả nước đã được rút ra nhưng cuối cùng cũng chỉ là sợi dây kinh nghiệm kéo dài chưa có hồi kết.
Không thể nhờn luật
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trùng tu di tích phải thực hiện một cách bài bản. Đối với những di tích trùng tu phải tháo rời thì trước khi tiến hành trùng tu cần có bản vẽ, ảnh chụp, đánh dấu các cấu kiện một cách rõ ràng, cụ thể để cho việc lắp ráp khi phục dựng lại… Vấn đề này đã được quy định rõ tại Điều 34, Luật Di sản văn hóa. Cụ thể: Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích… Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân.
Song thực tế sau nhiều vụ việc đã xảy ra thì không phải đơn vị nào cũng thực hiện nghiêm những quy định pháp luật của nhà nước trong quá trình tu bổ khiến cho nhiều giá trị của di tích bị mất đi vĩnh viễn không thể phục hồi. Điều này đã khiến cho việc xếp hạng di tích của nhà nước mất đi ý nghĩa trong việc bảo tồn, gìn giữ. Đến khi bị dư luận phát hiện, những đơn vị, tổ chức làm sai sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình và xin rút kinh nghiệm còn những hạng mục sai phạm (những hạng mục bị biến dạng, trẻ hóa) mặc nhiên tồn tại dù không có ý nghĩa hay một chút giá trị nào.
Quay trở lại câu chuyện buồn về việc trùng tu đang xảy ra tại Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Có thể thấy cái sai lớn nhất ở đây bắt nguồn chính từ cấp quản lý. Chính sự quản lý lỏng lẻo, hời hợt có phần vô trách nhiệm nên đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình tủ bổ khiến cho dư luận bức xúc và nuối tiếc. Liên quan đến vụ việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn đốc thúc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẩn trương báo cáo.
Cách đây hơn chục năm, việc biến di tích Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang hơn 400 tuổi thành di tích 1 ngày tuổi tưởng chừng đã là một bài học đắt giá, những kinh nghiệm sâu sắc được rút ra. Tuy nhiên sợi dây kinh nghiệm ấy vẫn kéo dài ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội.
Truy trách nhiệm, xử lý nghiêm
Khi trao đổi về những vấn đề trong tu bổ di tích, PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã bức xúc cho rằng, nhiều di tích trong quá trình tu sửa đã tự ý thay mới hoàn toàn, phá bỏ đi những hạng mục có giá trị. Đây là việc làm không thể chấp nhận được. Vấn đề này đã nói rất nhiều nhưng vẫn tái diễn ở nhiều di tích. Đó là những hành vi cực kỳ sai lầm làm mất đi tất cả những cái cổ có giá trị của di tích.
“Để xảy ra sự tùy tiện này thì trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền địa phương. Phải quy trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm thì Phòng Văn hóa, Sở Văn hóa nơi để xảy ra sai phạm chịu hoàn toàn trách nhiệm. Việc tu sửa không theo nguyên tắc phải phạt, phạt thật nặng và yêu cầu tháo dỡ. Không thể xử phạt xong lại cho sai phạm đó tồn tại, nếu để cho tồn tại thì hết sức nguy hiểm”- ông Cường nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, vấn đề ở đây chính là sự nhận thức và thượng tôn pháp luật không được đầy đủ. Không nhận thức đầy đủ đã làm hỏng di tích. Ở đây người ta chưa thấy được hết những giá trị cần phải giữ và giữ như thế nào. Các nước trên thế giới người ta giữ gìn rất cẩn trọng nhưng ở ta thì lại phá đi xây mới. Xây mới để đáp ứng những nhu cầu mới nhưng đó chỉ là những nhu cầu trước mắt mà không thấy được những giá trị gốc lõi lâu bền của di tích lịch sử, giá trị của lớp màu thời gian.
Cũng theo ông Huy, để xảy ra tình trạng trên là do khâu xử lý của chúng ta còn quá nhẹ nhàng dẫn đến việc người ta không sợ, không ai chịu trách nhiệm. Những người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm tại những di tích. Vì vậy việc xử phạt nghiêm cần phải bắt đầu từ những người quản lý. Sắp tới Bộ VHTTDL đang xúc tiến việc chỉnh sửa luật di sản thì những vấn đề này phải được rút kinh nghiệm và đưa và trong luật để luật được thi hành một cách nghiêm túc hơn. Các biện pháp xử lý, phải nghiêm hơn. Mặc dù luật di sản đã phát huy được nhưng có những vấn đề chưa đầy đủ vì thế sau nhiều năm cần phải nhìn nhận và xem xét lại luật di sản và các văn bản khác liên quan để có hành lang pháp lý xử lý sai phạm cho chuẩn, thật sự có tính răn đe.
Theo Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Điều 34 Luật Di sản văn hóa năm 2013 quy định: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích...”. Do đó, về nguyên tắc, việc trùng tu giúp tăng thêm tuổi thọ của công trình nhưng vẫn phải bảo đảm giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thẩm mỹ…, không bị biến dạng cảnh quan, giữ được dấu ấn thời gian. Song, tại nhiều địa phương, việc trùng tu các di tích đã không được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, thiếu chuyên môn, dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến trúc gốc, làm mất giá trị di tích. Vì thế cần phải có một số giải pháp để ngăn chặn và hạn chế tình trạng sai phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử. Việc phân cấp trong công tác quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ sớm, tránh để đến khi sự việc đã rồi mới vào cuộc thì đã quá muộn.
Đối với những công trình trùng tu di tích có sai phạm, theo luật sư Tùng, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đứng ra làm công trình này và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.