'Phủ sóng'hóa đơn điện tử
Việc “phủ sóng” hóa đơn điện tử chắc chắn đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số của ngành tài chính nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.
57 tỉnh, thành tiếp tục triển khai hoá đơn điện tử
Đại diện Công ty TNHH XNK Thương mại Gia Lai (Lạng Sơn) chia sẻ, nếu như trước đây sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp (DN) mất thời gian để ghi thông tin, lưu trữ, phân loại thì từ cuối năm 2021 trở lại đây, với hóa đơn điện tử chỉ cần một thao tác rất đơn giản kế toán đã có thể xuất hoá đơn. Số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) xuất ra mỗi ngày nhiều hơn hẳn so với việc sử dụng hoá đơn giấy.
Vừa sử dụng, nhưng đồng thời cũng là DN tham gia cung cấp HĐĐT, thời gian qua, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai cho hàng trăm nghìn DN sử dụng dịch vụ HĐĐT, trong đó có nhiều khách hàng lớn ở các lĩnh vực khác nhau như: Tập đoàn Masan, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)....
Phần lớn các DN đều cho rằng sử dụng HĐĐT giúp DN tăng tốc độ vận hành, thay đổi mô hình kế toán tài chính, kinh doanh của đơn vị theo hướng tích cực và hiệu quả.
Sau bước khởi đầu khá thuận lợi trong việc triển khai HĐĐT cho DN tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, TPHCM, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định), Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế tại các địa phương đẩy mạnh "phủ sóng" HĐĐT cho hộ kinh doanh tại 57 tỉnh, thành phố còn lại với thời gian thực hiện ngay từ tháng 4/2022.
Bộ Tài chính yêu cầu cục thuế 57 tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương do lãnh đạo tỉnh, thành phố làm trưởng ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của cục thuế và các sở, ban, ngành có liên quan.
Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện rà soát, phân loại người nộp thuế là DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định để thông báo đến từng đơn vị các nội dung ngay từ ngày bắt đầu triển khai thực hiện; chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế) đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Thuế và 6 cục Thuế đã triển khai thành công HĐĐT theo lộ trình giai đoạn 1 được DN, người nộp thuế ủng hộ và toàn xã hội đánh giá cao.
Lộ trình triển khai trên cả nước
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, để triển khai HĐĐT hiệu quả, Cục CNTT chủ trì phải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ kỹ thuật đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu HĐĐT khi triển khai trên cả nước và cả các Tập đoàn, Tổng công ty, DN lớn phải đảm bảo thông suốt, thuận lợi.
Đồng thời, phối hợp làm việc với các Tổ chức cấp dịch vụ HĐĐT (25 Tổ chức truyền nhận và 85 Tổ chức cung cấp giải pháp) xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương thức phối hợp triển khai HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố.
Tại các địa phương, cục thuế 57 tỉnh, thành phố chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai giai đoạn 1 từ 6 tỉnh, thành phố, đồng thời thực hiện ngay: Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ triển khai HĐĐT tại địa phương, Trung tâm điều hành HĐĐT tại cục thuế; Bố trí đầy đủ nhân lực, hạ tầng sẵn sàng tiếp nhận, đăng ký, xử lý các yêu cầu về HĐĐT của người nộp thuế; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho công chức cục thuế và người nộp thuế; Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế khi triển khai HĐĐT; Rà soát, phân loại DN, tổ chức sử dụng hóa đơn trên địa bàn để có kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn, từng loại đối tượng người nộp thuế và có lộ trình triển khai phù hợp.
Một số đối tượng hộ kinh doanh vẫn được sử dụng hóa đơn giấy:
Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh cá thể sử dụng hoá đơn điện tử từ ngày 01/7/2022. Tuy nhiên, có một số đối tượng hộ kinh doanh vẫn được sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế, cụ thể là hộ kinh doanh cá thể tại địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, không có hệ thống kế toán, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hay phần mềm lập hoá đơn điện tử… Những hộ kinh doanh thuộc đối tượng này sẽ được tiếp tục sử dụng hoá đơn giấy từ cơ quan thuế.
Thời gian sử dụng hóa đơn giấy: Tối đa 12 tháng được tính một lần kể từ ngày 1/7/2022 đối với hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động từ trước 1/7/2022; Tối đa 12 tháng kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hóa đơn đối với hộ kinh doanh cá thể mới thành lập từ ngày 1/7/2022.
4 trường hợp hộ kinh doanh ngừng sử dụng hóa đơn điện tử:
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, những trường hợp dưới đây, hộ kinh doanh cá thể phải ngừng sử dụng hoá đơn điện tử có mã hoặc không có mã của Cơ quan thuế: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không còn mã số thuế có hiệu lực; Hộ kinh doanh cá thể bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; Hộ kinh doanh cá thể thông báo tạm ngừng kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hộ kinh doanh cá thể ngừng sử dụng hoá đơn điện tử do yêu cầu cưỡng chế nợ thuế từ cơ quan thuế. T.X
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần tăng cường phối hợp với các DN lớn, các ngân hàng thương mại để có lộ trình triển khai cụ thể với các đối tượng này, đảm bảo hoàn thành trong tháng 4/2022.
Trung tâm Điều hành HĐĐT tại Tổng cục cần phát huy vai trò chủ đạo, điều phối chung đối với hoạt động của các Trung tâm trên cả nước trong quá trình triển khai HĐĐT, đặc biệt là giai đoạn 2 này khi phạm vi rất rộng và các địa bàn sẽ khó khăn hơn.
“Lộ trình triển khai HĐĐT đảm bảo đến ngày 10/5/2022 hoàn thành tối thiểu 50%, đến ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng DN, tổ chức, hộ kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, HĐĐT giúp tiết kiệm 90% chi phí in ấn, vận chuyển hóa đơn. Các đơn vị phát hành số lượng hóa đơn lớn sẽ tiết kiệm nhiều phi phí cho việc mua sắm trang thiết bị, xây dựng kho lưu trữ các loại hóa đơn, chứng từ này.
Sử dụng HĐĐT sẽ không lo bị thất lạc, mất mát hóa đơn, từ đó sẽ tiết kiệm đáng kể khoản chi phí nộp phạt khi mất, hỏng hóa đơn.
Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử còn đẩy nhanh quá trình giao dịch, kinh doanh. Chỉ cần một click chuột, hóa đơn sẽ được gửi ngay cho người mua, đẩy nhanh quá trình thanh toán, giao dịch kinh doanh.
Trong khi đó, hóa đơn giấy phụ thuộc vào thời gian gửi nhận hóa đơn nên việc giao dịch thanh toán không được nhanh chóng, thuận tiện.
Với hóa đơn giấy, kế toán viên sẽ phải nhập liệu một cách thủ công các chứng từ, hóa đơn lên phần mềm để hạch toán, nhưng với HĐĐT, dữ liệu trên phần mềm sẽ tự động đồng bộ trên phần mềm kế toán, kế toán viên không phải nhập thủ công.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cũng cho rằng với các lợi ích của hóa đơn điện tử như tăng hiệu quả phân tích, thống kê vào quản lý tài chính, kế toán và kê khai nộp thuế tại doanh nghiệp cũng như giảm sai sót, công ty đã tư vấn cho hàng trăm khách hàng chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Ông Lê Đỗ Duy Triết, đại diện Công ty Cổ phần CMA Việt Nam cho rằng, việc dùng HĐĐT giúp tiết kiệm kinh phí, thời gian. HĐĐT chỉ cần thông báo bằng một tin nhắn hay email là đầy đủ thông tin đến khách hàng.
Để "nâng tầm" HĐĐT, Tổng cục Thuế cho biết sẽ hướng dẫn triển khai việc sử dụng mã của cơ quan Thuế cấp để tham gia dự thưởng cho phù hợp với lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của của cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền và quy định của pháp luật có liên quan.
Đây được xem là một hình thức thúc đẩy việc báo cáo thuế và đóng thuế hợp pháp bằng cách khuyến khích người dân mua hàng ở những nơi có đóng thuế hợp pháp.
Khi người dân biết hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế được giữ lại để trúng thưởng thì họ sẽ luôn muốn nhận hóa đơn khi bỏ tiền ra ăn, uống, hay mua đồ và sẽ tới ủng hộ những nơi sử dụng hóa đơn từ máy tính tiền.
Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín: Xu thế tất yếu
Ứng dụng HĐĐT là xu thế trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển hiện nay. Dưới góc độ của doanh nghiệp, HĐĐT không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà quan trọng hơn là giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, khắc phục rủi ro mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy.
Việc sử dụng HĐĐT được đánh giá là thuận lợi hơn hóa đơn giấy rất nhiều. Sử dụng HĐĐT còn góp phần khắc phục được tình trạng gian lận, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, làm giả hóa đơn.
Việc áp dụng HĐĐT cũng góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Mặt khác, dưới góc độ người tiêu dùng, khi sử dụng HĐĐT còn tạo sự yên tâm cho bản thân và gia đình bởi sau khi nhận HĐĐT có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan Thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan Thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Vấn đề bảo mật rất quan trọng
Khi triển khai HĐĐT, vấn đề bảo mật thông tin là rất quan trọng vì thông tin liên quan đến giao dịch, giá cả, đơn hàng là điều cốt lõi của mỗi DN. Chính vì vậy, ngành Thuế phải làm sao đảm bảo an toàn những thông tin này cho DN.
Đồng thời cũng phải hướng dẫn, giải thích để DN yên tâm rằng thông tin của họ sẽ được bảo vệ, đảm bảo không bị lộ lọt. Đây là yếu tố cốt lõi.
Cộng đồng DN nói riêng và người nộp thuế nói chung cũng cần tìm hiểu, nắm bắt các quy định mới để có thể chủ động chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, tránh để đến sát thời điểm theo quy định mới chuyển đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như không tận dụng được các cơ hội ưu đãi của các nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT.
H.Hương - M.Sang(Ghi)