'Sập bẫy' vì hám lợi hoa hồng
Các dịch vụ thanh toán điện tử, việc làm online... đang được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ của các loại tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Gần đây nhất, nổi lên thủ đoạn tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... và hưởng hoa hồng trên mỗi đơn hàng. Nhiều người đã “sập bẫy”.
Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần về thủ đoạn lừa đảo cộng tác viên bán hàng online, thế nhưng không ít người ở Thừa Thiên-Huế vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo dẫn đến “tiền mất tật mang”.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đã góp phần mang lại nhiều tiện ích cho con người, trong đó nổi lên các dịch vụ thanh toán điện tử, việc làm online.... Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các loại tội phạm công nghệ cao lợi dụng hoạt động phạm tội với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người lên đến hàng tỷ đồng.
Gần đây nhất, nổi lên thủ đoạn tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... và hưởng hoa hồng trên mỗi đơn hàng.
Theo Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng là sau khi bị hại đồng ý làm việc, đối tượng sẽ gửi 1 trang web giả trang web của các sàn thương mại điện tử. Sau đó, yêu cầu bị hại thực hiện theo hướng dẫn, tạo đơn hàng và thanh toán dưới hình thức chuyển khoản.
Với một vài đơn hàng đầu có giá trị thấp, đối tượng sẽ thanh toán đơn hàng và tiền hoa hồng kèm theo ngay sau đó để tạo lòng tin và đánh vào tâm lý hám lợi của bị hại.
Tuy nhiên, với các đơn hàng tiếp theo có giá trị lớn, đối tượng không thanh toán nữa, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau như: mua thêm hàng để được thanh toán, yêu cầu đóng phí, thuế hoặc bị Công an điều tra nguồn tiền chuyển khoản... Tất cả lý do trên nhằm mục đích để bị hại tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản cho chúng.
Nhiều bị hại sau khi rơi vào cảnh “đâm lao thì phải theo lao” nên tiếp tục chuyển khoản, thậm chí nhiều trường hợp phải đi vay mượn để chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo với mong muốn rút lại tiền đã chuyển và hoa hồng.
Đến khi bị hại không còn khả năng chuyển khoản, trả tiền phí hoặc phát hiện bị lừa đảo thì các đối tượng nhanh chóng xóa dấu vết toàn bộ thông tin đã trao đổi, giao dịch với bị hại.
Điển hình gần đây nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị H. (27 tuổi trú tại phường Trường An, TP Huế) bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng.
Chị H. cho biết, ngày 25/3, khi đang sử dụng mạng xã hội Facebook thì có tin nhắn tuyển cộng tác viên Lazada từ 1 người lạ. Sau đó, chị H. xin tham gia và được đối tượng gọi điện thoại tự xưng bên hệ thống của Lazada hướng dẫn chị cách làm cộng tác viên.
Đối tượng gửi cho chị H. 1 trang web giả trang web của Lazada và yêu cầu chị H. kích vào mua các sản phẩm trên trang web. Số tiền chị H. mua các sản phẩm kia sẽ được hoàn lại cùng với tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm.
Chị H. cho biết, với đơn hàng đầu tiên chị giao dịch số tiền 100.000 đồng và được đối tượng chuyển khoản cho chị cả gốc lẫn hoa hồng là 118.000 đồng. Đơn hàng thứ 2 có giá trị 1,2 triệu đồng được đối tượng chuyển lại cho chị hơn 1,5 triệu đồng.
“Đến các đơn hàng tiếp theo các đối tượng không chuyển khoản cho tôi nữa với nhiều lý do khác nhau và yêu cầu tôi phải mua thêm nhiều đơn hàng khác” - chị H. nói và cho biết, tổng số tiền mà chị chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo là 120 triệu đồng. Khi chị H. không còn tiền để giao dịch và biết mình bị lừa thì các đối tượng cắt đứt liên lạc.
Tương tự anh Nguyễn Văn T. (25 tuổi, trú tại phường An Cựu, TP Huế) tham gia Facebook thì nhận được tin nhắn làm việc online, xử lý đơn hàng cho Shopee. Anh T. tham gia vào thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 24 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của Công an TP Huế, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 468 đơn trình báo liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, chiếm hơn 50% tổng số đơn trình báo tố giác tội phạm. Công an TP Huế đã phá 3 chuyên án, vụ án, bắt và xử lý 5 đối tượng liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thượng tá Phạm Trung Chính - Phó trưởng Công an TP Huế cho biết, hiện nay tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, hoạt động trên không gian mạng Internet, mạng viễn thông, hệ thống ngân hàng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình bắt, xử lý đối tượng.
Thượng tá Chính khuyến cáo, người dân khi nhận được các lời mời chào kinh doanh, mua bán hàng trên mạng internet, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhanh chóng báo cho cơ quan công an để được hướng dẫn, phối hợp lật tẩy thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lạ.
Luật sư Võ Thị Tuệ Minh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) khuyến cáo: Người dân cần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tham gia các hoạt động trong môi trường mạng xã hội; nếu nhận được những tin nhắn mời chào làm cộng tác viên xử lý các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử cần kiểm tra tính chính xác của các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau trước khi đồng ý. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, cần phải báo ngay cho các cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.