Tiềm ẩn tai nạn từ cao tốc 'bỏ không'

ĐOÀN XÁ 06/04/2022 08:31

Gần 5 năm sau khi tạm dừng việc thu phí (từ tháng 12/2018), tuyến cao tốc TP HCM-Trung Lương (dài gần 62 km) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe, vi phạm luật giao thông và đặc biệt số vụ tai nạn giao thông tăng cao bất thường. Nguyên nhân do tuyến đường bị “bỏ không”, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.

Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông vì thiếu quản lý, giám sát.

Tai nạn tăng vọt

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, 41 tuổi - một tài xế chở thủy sản tuyến Vĩnh Long - TP HCM cho biết, mỗi ngày anh di chuyển 2 lần trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương để giao hàng, chủ yếu là tôm càng xanh và cá diêu hồng cho các thương lái ở chợ Bình Điền (TP HCM).

Theo anh Nghĩa, trước kia anh thường di chuyển trên tuyến quốc lộ 1A để tiết kiệm hơn 100.000 đồng tiền phí dù quãng đường gần tương đương nhau. Sau đó cao tốc bỏ không thu phí nên anh chuyển qua đường cao tốc để thuận tiện hơn.

“Tôi thấy cao tốc lúc nào cũng đông đúc xe cộ, bất kể ngày đêm vì không phải mất phí. Những ngày cuối tuần thường kẹt xe nhưng nhiều người đành chấp nhận vì có phải mất tiền phí đâu mà phàn nàn. Trước kia hầu hết chỉ ô tô con, xe khách hay xe tải có công việc vội mới đi cao tốc mà thôi. Vì đi quốc lộ 1A tiết kiệm hơn rất nhiều, nhất là xe tải nặng có phí cao” - anh Nghĩa chia sẻ.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tượng tài xế lái xe trên cao tốc TP HCM - Trung Lương khá tùy tiện. Việc lấn làn, vượt trái làn, chạy quá tốc độ hay dừng xe bên lề đường rất thường xuyên, ngẫu hứng, không có bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào.

Ở một số điểm như đoạn qua Bến Lức (tỉnh Long An) thời gian qua bị hạn chế tốc độ 60km/h (ở làn 2) nhưng hầu hết tài xế không chấp hành, nhất là thời điểm ban đêm khi camera trên cao khó ghi được hình ảnh.

Thống kê cho biết, mỗi ngày có khoảng 40.000 phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, tăng 40% so với trước khi dừng thu phí. Việc số phương tiện tăng nhiều nhưng lại không kiểm tra, giám sát khiến số vụ tai nạn giao thông tăng theo.

Cụ thể, thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) từ đầu năm 2021 tới nay, 2 tuyến cao tốc ở phía Nam là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương đã xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông với 10 người chết, 36 người bị thương. Dù 2 tuyến cao tốc này có thiết kế tương tự nhau (2 làn xe chạy, 1 làn khẩn cấp) và chiều dài cũng tương đương nhưng số vụ tai nạn trên tuyến TP HCM - Trung Lương là 76 vụ, hơn gấp 2 lần tuyến còn lại. Số người chết và bị thương cũng cao hơn 2 lần.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu được thu phí, quản lý, giám sát tốt thì tình trạng tai nạn giao thông chắc chắn sẽ được kéo giảm và hạn chế rất nhiều. Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, khoảng 75% số vụ tai nạn trên do tài xế điều khiển xe không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; chuyển hướng không đúng quy định; không giữ khoảng cách an toàn; vi phạm tốc độ; tránh, vượt xe khi không đảm bảo an toàn; không chấp hành quy định về biển báo...

Kiểm soát để giảm tải

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông) - Trường ĐH Bách khoa TP HCM thì hiện nay tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương cho phép phương tiện lưu thông hỗn hợp. Nghĩa là các xe tự do chạy ở các làn đường tùy ý thích. Việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lưu thông tốc độ cao.

Vì vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu phân làn cho các phương tiện. Như các phương tiện xe nhỏ, từ 4 đến 16 chỗ thì di chuyển ở làn số 2, làn còn lại dành cho phương tiện hỗn hợp. Ngoài ra ông Mai cũng cho biết, cần hạn chế các phương tiện xe container di chuyển trên cao tốc vì bản thân phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương cần sớm có Đề án thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương để kiểm soát chủng loại, số lượng và tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc tạo nguồn thu cho ngân sách còn đảm bảo chi phí thực hiện quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả khai thác đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên tuyến cao tốc này. Trong đó chủ yếu là theo 3 cách gồm camera của đơn vị quản lý tuyến đường, lực lượng tuần tra kiểm soát ghi nhận và do người dân cung cấp.

Nhiều tài xế thường xuyên di chuyển trên cao tốc TP HCM - Trung Lương cho biết, do mấy năm không thu phí, thiếu sự giám sát nên tình trạng xe ô tô đi vào làn khẩn cấp (làn 3) rất nhiều. Thực tế đây là làn dành cho xe cứu hộ, cứu thương, xe chuyên dụng hay những tình huống đặc biệt (như mở đường tai nạn) do CSGT phân luồng. Tuy nhiên rất nhiều xe ô tô trên cao tốc này vẫn vô tư đi vào làn này. Đáng chú ý, hầu hết xe đi vào làn 3 lại có vận tốc nhanh, thường để vượt các xe trước khiến nhiều vụ tai nạn đã xảy ra.

ĐOÀN XÁ