Văn hóa mạng xã hội: Cần tầm nhìn và chiến lược
Ăn nói vô văn hóa, thông tin sai sự thật, tin giả… tràn lan khiến mạng xã hội trở thành một mớ hỗn loạn. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa sử dụng mạng xã hội cần thiết phải vạch rõ tầm nhìn và đưa ra chiến lược lâu dài.
Mạng xã hội hỗn loạn
Mạng xã hội đã và đang trở thành một phần quan trọng của cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội dần trở thành vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. Bởi, bất cứ ai tham gia vào môi trường số cũng đều có thể trở thành nạn nhân của thói bắt nạt, thông tin giả, lừa đảo và các kiểu ứng xử thiếu văn minh khác.
Ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các loại hình phương tiện, mạng xã hội trở thành công cụ để con người làm việc, trao đổi, tìm kiếm tin tức. Hằng ngày, con người truy cập vào mạng xã hội để đọc, chia sẻ và bình luận những vụ việc nóng hổi được cập nhật liên tục trên các nền tảng số.
Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng lo ngại nếu như những thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn đúng sự thật. Đáng nói, có những đối tượng lợi dụng lỗ hổng, mặt trái của mạng xã hội với mục đích trục lợi, gây hại tới cộng đồng và ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu chính đáng của đại đa số người dùng.
Hệ lụy kéo theo vô tình tạo nên hiệu ứng đám đông, một gương xấu, hành động xấu, câu chuyện gây sốc cũng có thể tác động tới lương tri, nhận thức con người khiến những hành xử đi lệch với chuẩn mực đạo đức, quy định của xã hội.
Mới đây, cộng đồng mạng bỗng nhiên truyền tay nhau thông tin Trấn Thành, ca sĩ Quang Lê, MC Đại Nghĩa… qua đời khiến người hâm mộ không khỏi xót xa. Thế nhưng, trong khi cư dân mạng đang mải miết “khóc thuê” thì chính chủ đã ngay lập tức lên tiếng đính chính thông tin.
Đa phần những người trong cuộc đều cảm thấy bất ngờ và phẫn nộ vì những thông tin sai lệch. Họ cho biết, khi tin giả được lan truyền, họ liên tục nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ người thân, bạn bè. Những thông tin này được lan truyền khiến cuộc sống của những nghệ sĩ gặp không ít phiền toái, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của riêng họ.
Bên cạnh tin xấu, tin độc, tin giả, mạng xã hội còn là không gian để các đối tượng khiêu khích, lên án, bình phẩm về một vấn đề, con người. Chưa bao giờ, mạng xã hội lại trở thành "mảnh đất màu mỡ'' mà ở đó nhiều người thỏa sức thể hiện "cái tôi" theo chiều hướng tiêu cực nhiều như bây giờ…
Hướng đi đúng cho sự phát triển của mạng xã hội
Nói về mặt trái của mạng xã hội, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng tác động của mạng xã hội lên tâm lý con người là rất lớn. Bởi, mạng xã hội là một hỗn tạp thông tin, ở trên đấy có tin đúng, tin sai, tin giả và tin chưa được kiểm chứng.
“Chính vì vậy, các thông tin và bình luận tiêu cực trên các nền tảng số dễ khiến con người rơi vào trạng thái không nhận thức được mình cần gì, thiếu tỉnh táo sẽ dẫn đến những biểu hiện buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng. Chưa hết, ngày nay nhiều người dùng mạng xã hội đã phải tự tử khi nhận phải những bình luận ác ý hoặc bị tẩy chay, cô lập trên mạng xã hội cũng như ngoài đời. Việc sử dụng mạng xã hội lâu dài dẫn đến tình trạng mất ngủ, lo lắng, căng thẳng. Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến chứng trầm cảm – chứng bệnh nguy hiểm trong thời đại công nghệ 4.0”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Theo một số chuyên gia xã hội học cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và các trang mạng xã hội nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của con người. Khi con người đã coi mạng xã hội là “môi trường xã hội”, thì văn hóa ứng xử ở đó lại là một vấn đề cần được quan tâm.
Nhìn nhận văn hóa sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng khách quan, GS.TS Lưu Hồng Minh, chuyên gia xã hội học cho rằng, mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Mạng xã hội đem con người đến gần với nhau và giúp họ bộc bạch suy nghĩ của mình dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không đúng, không hay diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội cho thấy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết.
“Dù xảy ra trong “thế giới ảo” song những sự việc trên mạng được con người áp dụng vào đời thực dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Nạn nhân có thể bị tổn hại bất cứ lúc nào bởi các nguồn ẩn danh, và sự việc có thể ảnh hưởng dây chuyền đến rất nhiều người.
Hình thức này trở nên đa dạng trong thời đại công nghệ số, có thể xuất phát từ thông tin thất thiệt nhằm vào cá nhân, hoặc tình trạng tấn công theo nhóm đông khiến các nạn nhân khó có cơ hội lên tiếng để tự bảo vệ mình”, PGS.TS Lưu Hồng Minh nêu quan điểm.
Cũng theo chuyên gia xã hội học, muốn hạn chế được những mặt trái của mạng xã hội và phát huy đúng giá trị văn hóa khi sử dụng mạng xã hội cần phải đặt ra chiến lược lâu dài. “Muốn vậy, trước hết phải thay đổi tư duy và suy nghĩ của con người khi tham gia tương tác trên mạng xã hội. Để giải quyết vấn đề này cần nâng cao việc giáo dục từ gia đình, nhà trường. Hơn ai hết bố mẹ và thầy cô phải là người định hướng, dẫn đường, chỉ lối, tìm đường đi cho những người trẻ sử dụng mạng xã hội.
Song song với việc nâng cao nhận thức, cần tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng sẽ giúp mỗi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó các nhà chức trách cần đưa ra mức xử phạt phù hợp cho từng trường hợp vi phạm để răn đe những trường hợp cố tình vi phạm”, GS.TS Minh nhìn nhận.