Theo chân những người bới cát 'tìm vàng'
Khi con nước cạn róc, chừa lại phần bãi bồi tít tắp, cũng là lúc mà những người dân ở hai xã Quan Lạn và Minh Châu (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đổ ra biển để đãi cát “tìm vàng”...
Nghề bán mặt cho đất
Khi mặt trời bắt đầu đứng bóng, nước biển tại bãi Minh Châu rút cạn, trơ lại một dải cát thoải kéo xa tít tắp. Trên triền đê, thấp thoáng từng tốp người với chiếc thuổng trên vai, chiếc rá đeo tòng teng bên mình xuất hiện. Phần lớn họ là những người phụ nữ ở hai xã Minh Châu và Quan Lạn đang đi đào sá sùng.
Quấn lại chiếc khăn che nắng, chị Kiều Thị Hoa (40 tuổi ở xã Minh Châu) chia sẻ: “Mùa này, thủy triều thường xuống muộn nên việc đào sá sùng chỉ bắt đầu vào cuối giờ trưa. Nước rút đến đâu, chúng tôi đi đào đến đấy. Ngày nhiều thì được 2 đến 3 kg, ít thì non 1kg. Nhìn thế thôi nhưng nghề này vất vả lắm các chú ạ”.
Bước xuống bãi, chị Hoa ra hiệu cho chúng tôi xuống cùng. Đưa những nhát thuổng đầu tiên xuống cát, chị giải thích: “Đào sá sùng không tốn sức, nhưng trầm mình dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè mới mất sức nhiều. Ngoài ra, mắt phải tinh, tay phải nhanh. Mỗi tổ sá sùng chỉ duy nhất một con và nó nhỏ li ti chỉ như đầu chiếc tăm” - chị Hoa giải thích.
“Nghề này cứ phải cúi gằm mặt xuống đất, mắt kiếm tìm. Tổ của chúng chỉ là một cái lỗ bé tý để thở. Khi phát hiện, phải đào thật nhanh kẻo chậm một chút, thấy động là chúng chạy mất” - chị Lục Thị Bình (người có hơn 40 năm đào sá sùng ở xã Minh Châu) cho biết.
Theo chị Bình, sá sùng là loại thân mềm, sinh sống ở vùng bãi cát ven biển. Đặc biệt là nơi thủy triều lên xuống tạo ra những doi cát thoải, sình.
“Da chúng trơn, thân tròn màu hồng nhạt, dài khoảng 12 - 20cm. Ở giữa thân có 30 sợi cơ chạy dọc bao quanh. Các cơ này thắt lại đan chéo với cơ vòng trở thành một hình vuông” - chị Bình nói như một chuyên gia nghiên cứu về sá sùng.
Theo kinh nghiệm của những người đào sá sùng, để phát hiện chính xác tổ sá sùng họ thường nhìn vào miệng tổ, ở trên miệng tổ của sá sùng thường có những hình hoa văn. Ở điểm trung tâm có một lỗ nhỏ, trong miệng lỗ thỉnh thoảng có bong bóng nổi lên theo nhịp hơi thở của chúng.
Khi được hỏi nghề này có tự bao giờ và ai là người sinh ra nó thì cả người già lẫn người trẻ nơi đây đều lắc đầu, không biết. Họ chỉ biết rằng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đời này kế đời khác bám vào bờ biển để mưu sinh.
Tăng, giảm theo giá trị của vàng
Theo những “thợ săn” ở đây, giá mỗi kg sá sùng tươi hiện dao động từ 350.000 - 400.000 đồng, tùy theo kích cỡ. Tuy nhiên, điều đặc biệt là mỗi một kg sá sùng khô sẽ được niêm yết bằng đúng một chỉ vàng. “Giá một chỉ vàng hiện tại bao nhiêu thì một cân sá sùng tương đương thế. Hiện tại giá vàng hơn 6 triệu thì 1 cân sá sùng cũng thế” - chị Bình nói.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoa cho biết, năm vừa qua, gia đình chị đào sá sùng về không bán mà đem sấy khô chờ thị trường vàng tăng giá. Tuy nhiên, lúc đem ra bán thì giá vàng lại giảm nên đành ngậm ngùi xả hàng.
“Nó phập phù theo con nước từng mùa thôi các chú ạ, nước lên thì ngày công mình cũng lên” - chị Hoa hài hước chia sẻ.
“Từ dạo đầu năm, giá vàng lên hơn 6 triệu đồng một chỉ nên cũng là thời điểm bà con tăng thu nhập. Nhưng lượng sá sùng đầu mùa đang khá khan hiếm. Ngày công tuy không cao nhưng cũng túc tắc đủ trang trải cho gia đình và các con ăn học” - chị Bùi Thị Lan (Quan Lạn - Vân Đồn) cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo người dân mưu sinh bằng nghề bắt sá sùng, vài năm trở lại đây, “ngành nghề” của họ gặp rất nhiều khó khăn bởi diện tích cát bồi dần bị thu hẹp, hiện trạng xấm lấn thảm thực vật ngày càng lớn.
“Vài năm trước, mỗi buổi đi đào cũng phải được từ 3 - 4 cân, nhưng giờ cả buổi may mắn lắm được 2 cân là nhiều. Các công trình lấn biển mọc lên như nấm khiến cho sá sùng không còn chỗ ở. Có thời gian sá sùng còn bị kích bằng điện nên cứ dần cạn kiệt” - chị Phạm Thị Duyên chia sẻ.
Chị Duyên hiện là lao động chính trong gia đình với 2 người con, cháu lớn học cấp 3 và đứa nhỏ đang học lớp 7. “Chồng tôi làm công nhân, lương tháng chẳng là bao nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào nghề này” - chị Duyên nói.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển Quan Lạn, anh Phạm Văn Hoàn (Tân Phong, Quan Lạn, Vân Đồn) chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi, bất kể trai hay gái, khoảng hơn mười tuổi là bắt đầu làm quen với nghề này rồi. Kinh nghiệm khai thác cứ được bồi đắp từ đời này qua đời khác và những buổi dãi nắng, dầm sương.
“Khoảng 5 năm về trước, khi du lịch còn chưa phát triển, nghề đào sá sùng được coi như nghề kiếm ra vàng ở Quan Lạn. Ngày đó, vào thời cao điểm, một tay thuổng có thể nuôi sống cả gia đình” - anh Hoàn chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết, trước đây trên toàn xã có khoảng 500 hecta bãi sá sùng. Tuy nhiên, đến hiện tại diện tích này bị co hẹp lại còn khoảng 400 hecta. Lý giải về diện tích bị co hẹp, ông Đức nói, một phần do rừng ngập mặn xâm thực, phần còn lại do sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
Về vấn đề khai thác và quản lý “bãi vàng nổi” này, ông Đức cho biết, hiện tượng khai thác bằng kích điện là không có. UBND xã cũng đã có kiến nghị với huyện, tỉnh về việc quy hoạch cũng như tuyên truyền để nhân dân không khai thác vào những mùa sinh sản của sá sùng”.
Giá mỗi kg sá sùng tươi hiện dao động từ 350.000 - 400.000 đồng, tùy theo kích cỡ. Tuy nhiên, điều đặc biệt là mỗi một kg sá sùng khô sẽ được niêm yết bằng đúng một chỉ vàng. Giá một chỉ vàng hiện tại bao nhiêu thì một cân sá sùng tương đương thế.