Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hệ lụy của tăng trưởng nóng
Cũng giống như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp vừa trải qua “cơn sóng lớn” khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức hủy 9 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh do che giấu, công bố thông tin sai sự thật…
Thanh lọc thị trường
Trở lại với vụ việc hủy 9 lô phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Tân Hoàng Minh, đến thời điểm này việc nhà đầu tư đòi lại tiền đã mua trái phiếu của doanh nghiệp (DN) này như thế nào vẫn là chuyện “ bắc thang lên hỏi ông trời”, cho dù lãnh đạo Tân Hoàng Minh nói, sẽ hoàn tiền cho nhà đầu tư. Nhưng dòng tiền ở đâu vẫn là câu hỏi không có lời đáp.
Thị trường TPDN sôi động trong 2- 3 năm trở lại đây với giá trị phát hành cả năm ước đạt trên nửa triệu tỷ đồng, đưa tổng giá trị TPDN đang lưu hành ước đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng. Chưa kể, 2 tháng đầu năm 2022, lượng TPDN phát hành thêm 26.000 tỷ đồng.
Có thể thấy khối lượng trái phiếu được phát hành trong những năm qua ít có bóng dáng của các lĩnh vực như sản xuất trực tiếp, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại mà tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như bất động sản. Trên thị trường, các DN bất động sản thường là nhóm phát hành nhiều nhất, kế đến là ngân hàng. Ngân hàng phát hành trái phiếu cũng chủ yếu để tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động vốn trên thị trường, để tăng vay và cho vay.
Tăng trưởng quá nhanh và quá nóng, những bất cập của thị trường TPDN ngày càng lộ rõ. Điểm đáng chú ý là, do điều kiện phát hành khá dễ dãi nên hàng loạt DN dù thua lỗ vẫn huy động thành công hàng nghìn tỷ đồng. Một con số thống kê cho biết, hơn 50% lượng TPDN phát hành vào năm 2021 không có tài sản bảo đảm, phần còn lại chủ yếu đến từ các tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu và bất động sản.
Cùng với đó, 80% khối lượng phát hành trái phiếu bất động sản trong năm 2021 liên quan đến nhóm DN chưa niêm yết. Trong khi đó, “sức khỏe” của những đơn vị niêm yết và chưa niêm yết có độ vênh lớn.
Những bất cập bộc lộ rõ của thị trường này đòi hỏi cơ quan quản lý phải sớm thanh lọc lấy lại sự trong sạch cho thị trường. Cuối năm 2021, hàng loạt nhà phát hành đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì phát hành TPDN “chui”. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành TPDN thời gian tới.
Nhận định về câu chuyện này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc thanh lọc thị trường TPDN là cần thiết để tránh đổ vỡ. Bởi, dù chỉ một vài DN phát hành vỡ nợ, cả thị trường TPDN sẽ bị ảnh hưởng khi nhà đầu tư mất niềm tin.
Nhìn nhận một cách khách quan, ông Thịnh nói: “Dù thị trường TPDN mới chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển, nhưng quy mô lên tới cả triệu tỷ đồng cũng giảm tải rất lớn về tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu sự đổ vỡ lan truyền xảy ra, cả hệ thống tài chính quốc gia sẽ rơi vào bất ổn”.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh nhận định, trách nhiệm cao nhất thuộc về cơ quan quản lý, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán, cơ quan này phải duy trì lòng tin của thị trường, nếu không thị trường sẽ đổ vỡ. Thậm chí, ở một số quốc gia, nếu DN phát hành trái phiếu đổ vỡ, Chính phủ còn phải đứng ra bảo lãnh thanh toán toàn bộ để giữ uy tín thị trường trái phiếu quốc gia.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng chia sẻ, thị trường TPDN vẫn sẽ phát triển sau sự cố Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư không cần quá lo lắng. Vì mục tiêu cao nhất của cơ quan quản lý là phải bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ niềm tin thị trường và đã đàm phán, cân nhắc rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định.
Cẩn trọng
Thực tế, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ chọn kênh TPDN vì lãi suất rất hấp dẫn. Theo đó, nhiều DN hiện đang phát hành trái phiếu với mức lợi nhuận từ 11 - 12% trong khi lãi suất ngân hàng thấp. Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều nhà đầu tư không có khả năng phân tích báo cáo tài chính, báo cáo tín dụng xem tình hình tài chính của DN đang phát hành như thế nào.
Trong khi đó, rất nhiều TPDN được các ngân hàng hỗ trợ phát hành khiến không ít nhà đầu tư nhầm tưởng trái phiếu đó được ngân hàng bảo lãnh. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đây là quan niệm sai lầm. Các ngân hàng chỉ bảo lãnh thanh toán, do đó nhà đầu tư mua TPDN cần hết sức lưu ý.
Giới chuyên gia khẳng định, ngoài việc nhà đầu tư tự trang bị kiến thức cho chính mình thì thị trường TPDN cũng cần được đưa vào khuôn khổ.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nền tảng tạo bước phát triển đúng hướng cho thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhiều vấn đề, lớn nhất là cạnh tranh của ngành ngân hàng trên thị trường tài chính khi 95% tài sản thị trường là của ngân hàng. Điều này khiến DN phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng, cả vốn trung hạn, ngắn hạn, khiến thị trường trái phiếu khó phát triển.
“Điều này trái ngược với xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính quốc tế và phần nào phản ánh thị trường tài chính hoạt động không có hiệu quả” - ông nhận định đồng thời nêu quan điểm, Việt Nam gần như chưa có thị trường TPDN thực thụ, chủ yếu mang màu sắc đầu cơ, DN phát hành trái phiếu để đảo nợ.
Vì vậy, để có thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định, thì việc trước tiên cần làm phải minh bạch, càng minh bạch, rủi ro càng thấp. Bên cạnh đó công tác giám sát trong hoạt động huy động vốn từ thị trường trái phiếu phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ.
Ngoài ra, cần phải phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho TPDN, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận sản phẩm trái phiếu cho nhiều nhà đầu tư hơn.
Giới chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cá nhân khi mua TPDN: Thứ nhất, nhóm thông tin về đơn vị phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cần phải biết đây là đơn vị nào, thành lập từ bao giờ, lịch sử kinh doanh như thế nào và hoạt động kinh doanh trong 2,3 năm gần nhất ra sao. Thứ hai, cần phải nắm rõ mục đích phát hành làm gì? Để tái cấu trúc lại nguồn vốn, đầu tư dự án hay tăng quy mô vốn hoạt động? Phương án phát hành, phương án trả nợ, nếu thiếu nguồn thì phương án bù đắp là gì? Thứ ba, cần biết về tài sản bảo đảm của trái phiếu là gì. Cuối cùng, liên quan đến bảo lãnh thanh toán và các cam kết mua lại (nếu có) của đơn vị phân phối cũng như các điều kiện, điều khoản khác trên hợp đồng.