Doanh nghiệp linh hoạt ứng phó với 'biến cố'
Thời gian qua, nhiều biến cố xảy ra đã làm suy yếu “sức khỏe” của doanh nghiệp. Dù vậy, nhờ thích ứng linh hoạt, các doanh nghiệp Việt đã dần phục hồi, tạo nền tảng chắc chắn hơn để hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Bắt nhịp với “bình thường mới thường xuyên”
Ông Hồ Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH Minh Tân (TPHCM) cho hay, thời gian gần đây ông hay nghe các diễn đàn và doanh nghiệp (DN) nói về khái niệm “bình thường mới thường xuyên”. Điều này có thể thấy rõ khi thế giới có rất nhiều biến động, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, rồi đến đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine…
Theo ông Đức, cùng với độ mở của nền kinh tế, cũng như sự hội nhập sâu rộng, hiện tại DN Việt lúc nào cũng ở trạng thái “bình thường mới thường xuyên” cùng với sự biến động của thế giới.
Còn theo ông Nguyễn Quyết Chiến - đại diện Công ty cổ phần Đức Hải - DN chuyên về xuất nhập khẩu, khi vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19, công ty đã xác định phải thích ứng với bình thường mới là phải tập trung hơn, giữ nhịp độ để cạnh tranh với các đối thủ mạnh, đặc biệt là từ thị trường thương mại điện tử. Tuy vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến các khách hàng của công ty ở Nga và Ukraine đang là số 10, giờ chỉ còn con số 0.
Vị chủ tịch Công ty Đức Hải cho biết, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, có một số lô hàng cà phê, hồ tiêu của công ty đang trên đường đến 2 thị trường này. Các đối tác nói rằng họ không có khả năng thanh toán nên công ty dừng lại, như tại các cảng ở Singapore, Thụy Sĩ... và bán luôn cho các khách hàng tại đây.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế - TS.Bùi Thị Mai - Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường AHT, sau một giai đoạn khá dài, DN đã quen dần với việc “sống chung” cùng Covid-19, và trong một thế giới VUCA (dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa mãn 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity), khá bất định thì bức tranh cạnh tranh của các DN Việt đã có những thay đổi nhất định.
“Minh chứng cho điều này có thể nhìn thấy ở việc bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao (có tổng cộng 524 DN chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022 do người tiêu dùng bình chọn) với những yêu cầu đáp ứng “tinh thần hàng Việt” ở mức cao hơn, khắt khe hơn, đòi hỏi các DN nội địa và hàng Việt phải tiệm cận về mặt chất lượng với hàng hóa của khu vực và thế giới”, bà Mai nhấn mạnh.
Biến điều không thể thành có thể
Bà Nguyễn Thúy Quyên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nam Đông bộc bạch: “Chúng tôi luôn linh hoạt thích ứng. Chẳng hạn như linh hoạt trong thời gian làm việc, trực tuyến và ngoại tuyến linh hoạt kết hợp tùy theo diễn biến tình hình.
Không chỉ có những DN “sừng sỏ” thuộc nhóm hàng Việt chất lượng cao mới quen dần với khái niệm “bình thường mới thường xuyên” mà ngay cả những DN khởi nghiệp, DN nhỏ cũng đã khẳng định là họ đang thích ứng tốt trong chuyện này với quyết tâm cao nhất”.
Dưới góc độ của một startup thành công “vượt qua cơn bão” của đại dịch, anh Minh Nhựt, Co-Founder (đồng sáng lập) Bánh Mì Má Hải cho rằng, góc nhìn tích cực trong 2 năm vừa qua chính là việc xem những khó khăn như một cơ hội để tinh gọn lại mọi thứ và giúp mình linh động hơn, tạo nền tảng chắc chắn hơn để quay trở lại sau đại dịch một cách mạnh mẽ nhất.
“Hai năm vừa qua cũng là thời kỳ để chúng tôi hoàn thiện quy trình sản xuất, mang lại đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình” - anh Nhựt nói.
Ngay cả việc chuyển đổi số có vẻ rất khó để hợp với bán bánh mì, nhưng anh Nhựt cho biết điều không tưởng đó có thể hiện thực hóa. Thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch nếu như không bán hàng online, thì 100% doanh thu các tháng đó là bằng 0. Chuyển đổi số đã cứu vãn doanh số của Bánh mì Má Hải khi đó.
“Đội ngũ của chúng tôi đã phải thay đổi để phù hợp hơn. Nhưng không phải tất cả DN đều thành công khi chuyển đổi số. Vì vậy chủ DN phải cân nhắc về chuyển đổi số và biết được giai đoạn nào nên chuyển đổi số để mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất” - anh Nhựt chia sẻ quan điểm.
Với những kinh nghiệm của mình, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho hay, đại dịch Covid-19 như một cơn bão, nó sẽ cuốn đi những cái cây trên hành trình mà nó đi ngang qua. Những cái cây trụ lại được là những cái cây có gốc rễ chắc chắn nhất.