Hàng Việt chiếm ưu thế trên chợ trực tuyến
Thương mại điện tử đã, đang và sẽ phát triển mạnh. Điều đáng mừng hiện nay là hàng Việt luôn được người tiêu dùng lựa chọn nhiều khi mua sắm trực tuyến.
Trong một buổi sáng nhận 4 mặt hàng mua qua các sàn thương mại điện tử với tổng số tiền lên đến gần 900.000 đồng, bà Trần Thị Hằng (đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM) khẳng định đã quen mua sắm qua mạng. “Thay vì đi mua trực tiếp mất nhiều thời gian lựa chọn, tôi tìm sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, vừa so sánh được giá lại vừa thuận lợi” - bà Hằng nói.
Là một trong những “tín đồ” mua hàng trực tuyến, bà Nguyễn Ngọc Bảo Trân (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm khi mua hàng online: “Mua hàng qua sàn thương mại điện tử khá đơn giản. Tôi thường vào tìm ở mấy cửa hàng chính hãng. Quan điểm mua sắm trên không gian mạng của tôi vẫn ưu tiên hàng đầu cho hàng Việt”.
Có thể thấy, thương mại điện tử đang nở rộ kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Đến thời điểm này, việc đi chợ trực tuyến không chỉ dành cho giới trẻ, hay phụ nữ, mà còn thu hút cả nam giới lẫn người lớn tuổi.
Điều đáng nói, tại các sàn thương mại điện tử, hàng Việt đang được lựa chọn nhiều hơn. Khảo sát mới nhất của sàn thương mại điện tử Lazada và đơn vị nghiên cứu thị trường Milieu Insight về hành vi tiêu dùng trực tuyến của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, với mẫu khảo sát ở Việt Nam có đến 81% số người được hỏi cho rằng, mua sắm trực tuyến trở thành một phần cuộc sống hàng ngày.
Về thị hiếu tiêu dùng online, người tiêu dùng Việt Nam dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu hàng “made in Vietnam” với tỷ lệ 52%. Đặc biệt, tiêu chí chính hãng trở nên khá quan trọng đối với thị trường mua sắm Việt Nam là 53%.
Không chỉ được người tiêu dùng trực tuyến tin tưởng, lựa chọn hàng Việt, ở các sàn trung tâm bán lẻ trực tuyến quốc tế Amazon và trung tâm bán sỉ trực tuyến Alibaba cũng ghi nhận nhiều sản phẩm Việt Nam bán chạy như mây, tre, cói, lục bình, đồ dùng nhà bếp, thực phẩm, nông sản,…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thông tin, những con số cụ thể và nhận xét: “Rất nhiều sản phẩm Việt tăng trưởng 122%, 128% trên các nền tảng thương mại trực tuyến Amazon và Alibaba. Tôi nghĩ, sản phẩm bán lẻ của doanh nghiệp trên Amazon được thị trường Mỹ chấp nhận chắc chắn tên tuổi và hình ảnh của doanh nghiệp Việt sẽ được thị trường toàn cầu lựa chọn”.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá: “Hiện nay mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến gần như không còn ranh giới với nhóm người tiêu dùng trẻ. Doanh nghiệp Việt nói chung và hàng Việt Nam chất lượng cao nên xem đây là lợi thế mới để tiếp cận nhanh và mạnh”.
Giới chuyên gia nhận định, phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong hoạt động thương mại, kinh doanh. Hành vi mua sắm từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến đã tăng mạnh ở nhiều thị trường trên thế giới. Đặc biệt, từ khi xảy ra dịch Covid-19 thương mại điện tử phát triển nhanh hơn.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử Việt Nam trở nên sôi động hơn với tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt khoảng 15% so với năm trước và quy mô thị trường đạt 13,7 tỷ USD. Dự báo, thời gian tới thương mại điện tử tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt mức 39 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều thương nhân, doanh nghiệp thương mại điện tử tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi.
Các sàn thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân.