Đánh thức du lịch làng nghề

Minh Quân - Phạm Sỹ 07/04/2022 14:00

Có thể nói, với những tiềm năng có sẵn du lịch làng nghề đang đem lại lợi ích kép đối với sự phát triển du lịch cũng như khả năng bảo tồn, khôi phục đối với các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, tiềm năng có được du lịch làng nghề hiện nay vẫn còn khá nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông.

Nghệ nhân trẻ làng gốm. Ảnh: Quang Vinh

Các làng nghề ở Việt Nam không chỉ có thế mạnh trong phát triển kinh tế với các sản phẩm truyền thống mà còn tạo ra những điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, dù đã có nhiều mô hình nhưng sự gắn kết giữa làng nghề và du lịch đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thành công từ Vạn Phúc, Bát Tràng

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng 1.700 làng nghề đã được công nhận, phân bố dọc theo chiều dài của đất nước, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình…

Trong những năm qua, nhiều làng nghề đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã đạt được những thành công nhất định, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, kinh tế làng nghề đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê Việt Nam.

Có thể kể đến như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) hiện nay đã thành “địa chỉ đỏ” của du lịch làng nghề khi mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như khu phố ẩm thực, phố hoa sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm.

Cũng theo ông Hà, ngoài việc phát triển các sản phẩm, làng nghề cũng đã đẩy mạnh việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, việc làm này đã mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nhằm mang đến môi trường du lịch cộng đồng thân thiện, gần gũi, phường Vạn Phúc thường xuyên tuyên truyền, tổ chức tập huấn về giao tiếp ứng xử cho người dân. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.

Hay như làng gốm Bát Tràng, sau khi trở thành điểm đến du lịch của Hà Nội số lượng khách đến đây trải nghiệm có sự tăng trưởng trong thời gian qua.

Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, như ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh; thực hiện tôn tạo, bảo tồn nhiều di tích, gồm có đình, văn chỉ Bát Tràng; khu lò bầu cổ, nhà nghệ nhân. Một trong những nét mới của khu du lịch Bát Tràng là du khách được tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Đây là công trình mới, có kiến trúc độc đáo, được ví như bảo tàng gốm sứ của Bát Tràng, đang trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách.

Khai thông những điểm nghẽn

Có thể nói, với những tiềm năng có sẵn du lịch làng nghề đang đem lại lợi ích kép đối với sự phát triển du lịch cũng như khả năng bảo tồn, khôi phục đối với các làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, tiềm năng có được du lịch làng nghề hiện nay vẫn còn khá nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông. Thực tế cho thấy phát triển du lịch làng nghề trong thời gian qua, còn mang tính tự phát. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch, còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống hiện nay.

Phần lớn, các làng nghề chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu.

Ngay như làng gốm Bát Tràng việc liên kết các điểm đến hấp dẫn đang nằm khá rải rác, thiếu sự kết nối thành tour, tuyến đặc trưng. Ngoài ra, dù đã có tuyến xe bus từ nội thành đến Bát Tràng nhưng thiếu tuyến xe chất lượng cao phục vụ du khách. Hay như làng nghệ Cự Đà nổi tiếng với nghề làm tương nếp và miến dong đến nay cũng chỉ có vài hộ gia đình theo nghề. Các làng nghề như gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… dù đang “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm tới.

Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Lê Quý Phương, du lịch làng nghề từ lâu đã là sản phẩm hấp dẫn với du khách. Tuy nhiên việc phát triển du lịch làng nghề còn manh mún, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương.

Vụ Lữ hành đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch hệ thống loại hình du lịch này trong năm 2022 một cách bài bản, đồng bộ. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý sẽ tiến hành hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững cần phải bảo đảm hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, việc đầu tiên là mỗi người dân làng nghề phải được giáo dục về văn hóa du lịch.

Cùng với đó, mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...

“Cần phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề. Tạo thiện cảm cho du khách từ không gian sản xuất gọn gàng, sạch sẽ đến những phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Xây dựng các quy định về môi trường ở các làng nghề truyền thống trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch” - bà Hương nói.

TS Trần Hữu Sơn- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Phát triển du lịch làng nghề phải “xanh, sạch”

Trong phát triển du lịch làng nghề thì vai trò của trình diễn rất quan trọng. Du khách đến với làng nghề không chỉ mua hàng mà người ta còn muốn xem quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề đã mời du khách cùng trải nghiệm góp phần tăng lượng khách và thể hiện được tính hấp dẫn cao của làng nghề.

Muốn phát triển được như vậy thì làng nghề nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ phải giải quyết được vấn đề môi trường. Vì rất nhiều làng nghề vùng đồng bằng Bắc Bộ môi trường ô nhiễm rất nặng. Đối với du khách quốc tế họ sợ nhất là ô nhiễm. Cho nên phải là du lịch xanh, du lịch sạch. Đấy là những vấn đề quan trọng mà chúng ta phải chú trọng.

Du lịch làng nghề muốn khai thác hiệu quả thì phải nghiên cứu thị hiếu của du khách xem du khách cần gì ở làng nghề. Từ đó chúng ta mới có cái chiến lược về thị trường để đáp ứng được du khách. Cái đấy rất quan trọng.

Cái quan trọng nữa là phải có chính sách hấp dẫn để phát triển du lịch làng nghề. Nhiều nơi đã áp dụng du lịch làng nghề thành công nhưng hầu hết chỉ đóng khung du lịch. Thậm chí người ta chỉ chú ý phát triển làng nghề chứ không chú trọng du lịch. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phải quảng bá sớm để du khách quốc tế muốn tìm hiểu về những làng nghề của chúng ta.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu: Chuẩn hóa du lịch làng nghề

Hà Nội có nhiều làng nghề nhưng việc phát triển các sản phẩm chủ lực góp phần tạo ra giá trị gia tăng còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao.

Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với lượng khách du lịch đến Hà Nội còn rất thấp. Doanh thu chủ yếu vẫn từ các sản phẩm thủ công. Chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ khác không nhiều.

Trong 17 làng nghề gắn với du lịch, mới có 2 làng nghề thu hút nhiều du khách là làng gốm sứ Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, tuy nhiên vẫn cần đẩy nhanh tiến độ lập và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch để trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là những hạn chế về nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối doanh nghiệp lữ hành.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Du lịch Hà Nội tập trung tiến hành chuẩn hóa bài thuyết minh các điểm đến du lịch, đặc biệt là các địa danh gắn với các làng nghề tiêu biểu của Hà Nội… Với những giải pháp đồng bộ như vậy, tin rằng du lịch làng nghề Hà Nội sẽ ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu.

H.Minh - P.Sỹ(ghi)

Minh Quân - Phạm Sỹ