Không vì số ca mắc giảm mà bỏ qua phòng, chống dịch
Dịch Covid-19 tại nước ta đang dần “hạ nhiệt”. Tại Hà Nội, cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Thế nhưng, tâm lý “đã mắc Covid-19 rồi là có thể thoải mái” đang dần xuất hiện trong không ít người dân.
Nhiều người có tâm lý lơ là
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội như Aeon Mall, VinCom Nguyễn Chí Thanh, việc giãn cách gần như không còn được người dân chấp hành. Mặc dù tại những địa điểm nói trên, hầu hết người dân đều đeo khẩu trang, thế nhưng việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn hầu như chỉ còn mang tính hình thức.
Trong khi đó, khẩu trang gần như bị bỏ quên tại các quán nước vỉa hè, trong khi người dân ngồi tụ tập thành nhóm, uống nước và tán gẫu tại đây. Tương tự, tại các con ngõ nhỏ, một số người dân đi chợ, đi bộ cũng không hề đeo khẩu trang. Khi được hỏi về lý do, một người dân tại ngõ 279 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi chợ ngay gần nhà chứ không đi đâu xa nên quên đeo khẩu trang, thêm nữa là cả nhà cũng mắc Covid-19 và khỏi rồi nên không lo lắng nữa”.
Thậm chí, một vài người chưa mắc Covid-19 còn xuất hiện tâm lý mặc cảm. Anh Vũ Hồng Cường (34 tuổi, Hà Nội) tâm sự: Tôi và gia đình chưa mắc Covid-19, trong khi gia đình có con nhỏ nên chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Thú thật, đôi khi tôi thấy rất lo lắng vì những bạn bè, đồng nghiệp xung quanh đều đã mắc và đã khỏi Covid-19 và họ không còn quan tâm đến đeo khẩu trang hay rửa tay, sát khuẩn nữa. Nhiều khi bạn bè đùa vui rằng F0 là chuyện thường, F1 mới là “hàng hiếm”.
Người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm
PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, số ca mắc giảm mạnh trong thời gian vừa qua cho thấy Hà Nội đã qua đỉnh dịch một cách tự nhiên trong bối cảnh thực hiện bình thường mới. Thế nhưng, sau một khoảng thời gian nhất định, dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại vì hiện tượng giảm dần của miễn dịch tự nhiên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị hậu Covid-19 cũng gia tăng, khoảng 2/3 trong số đó sẽ có biểu hiện nhẹ nhưng 1/3 có thể nặng hơn khi mắc. Do vậy, mọi người không được coi thường việc tuân thủ quy định phòng dịch.
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội lý giải, thực tế cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vaccine, kể cả miễn dịch sau mắc Covid-19 là ngắn, chỉ từ 3-6 tháng; thậm chí những người đã tiêm vaccine rồi vẫn có thể mắc và lây nhiễm cho người khác, người đã mắc rồi vẫn có thể mắc chủng khác…
Tuy nhiên, phần lớn người mắc Covid-19 hiện nay thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Trong bối cảnh mở cửa các hoạt động như hiện nay, quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức dự phòng cá nhân; trong đó đeo khẩu trang và sát khuẩn vẫn là yếu tố then chốt.
Ở một góc nhìn khác, BS Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E cho rằng, các biện pháp 5K như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người lạ, không tụ tập khi không cần thiết không chỉ giảm nguy cơ Covid-19 mà trên thực tế đã được chứng minh giảm các ca nhiễm cúm, cảm lạnh, hen suyễn, các cơn cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiều bệnh lý hô hấp khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, chủng Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm từ 4,38 đến 6,63 lần so với Delta. Cụ thể, khả năng chống lại tái nhiễm trong vòng 6 tháng ở người từng mắc Covid-19 đã giảm từ khoảng 85% đối với các biến thể trước - xuống còn khoảng từ 0% đến 27% khi biến thể Omicron bùng lên. Omicron đã được phát hiện có khả năng né tránh khả năng miễn dịch ở mức độ đáng kể.
Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước; tuần qua, số mắc mới có xu hướng giảm tại hầu hết các địa phương (tổng số khoảng 80.000-100.000 ca/ngày, tương đương tuần cuối tháng 2 - thời điểm trước khi số ca mắc bắt đầu tăng cao nhất). Thế nhưng, người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.