TP HCM: Đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – TP HCM
Đó là thông tin được UBND TP HCM trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP HCM khóa X, ngày 7/4.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, diện tích rừng bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án được xác định là 16,82 ha. Trong đó, diện tích có rừng 16,80 ha; diện tích không có rừng 0,02 ha (thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) đã được UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên cây trồng TP HCM quản lý, sử dụng.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban đô thị, HĐND TP HCM cho rằng, việc chuyển mục đích sử dụng 16,82 ha diện tích rừng sản xuất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM là cần thiết và đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Vị đại diện lý giải, “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư” và là một nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án theo khoản 4 Điều 41 Nghị định số 156/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp “Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Với các cơ sở nêu trên, Ban Đô thị thống nhất với nội dung trình của UBND TP HCM về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3. Đồng thời, Ban đô thị kiến nghị HĐND thành phố giao UBND thành phố đảm bảo việc thực hiện quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP HCM có chiều dài khoảng 76,34 km đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; được đầu tư xây dựng với bốn làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên 2-3 làn xe.
Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng.
Theo UBND TP HCM, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP HCM có ý nghĩa quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu quá tải cửa ngõ TP HCM, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng (kết nối giữa TP HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và tỉnh Long An).
Ngoài ra, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP HCM tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, có tính đến kết nối liên vùng là rất cần thiết.