Cú sốc lớn đối với các nền kinh tế
Ngân hàng Thế giới cho rằng, các quốc gia ở châu Á có thể phải đối phó với 3 cú sốc kinh tế lớn trong năm nay. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine cũng đang khiến danh sách các quốc gia “biên giới” có nguy cơ khủng hoảng ngày một dài.
Châu Á đối mặt 3 cú sốc
Trong báo cáo được công bố hôm 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, căng thẳng tài chính và giá cả cao hơn là một trong những tác động mà xung đột ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các nền kinh tế ở châu Á trong những tháng tới. Báo cáo dự báo, tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ nghèo gia tăng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay là “nhiều cú sốc” phức tạp cho người dân và doanh nghiệp.
Theo WB, tăng trưởng trong năm nay của khu vực ước đạt 5%, giảm so với dự báo ban đầu là 5,4%, đồng thời cũng cảnh báo con số này có thể giảm xuống 4% nếu các điều kiện suy yếu hơn nữa. Khu vực này đã chứng kiến mức tăng trưởng phục hồi lên 7,2% vào năm 2021 sau khi nhiều nền kinh tế trải qua thời kỳ suy thoái do sự bùng phát của đại dịch.
Theo dự đoán của WB, Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, sẽ tăng trưởng với tốc độ 5%, chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 8,1% của năm 2021.
Báo cáo cho biết, căng thẳng tại Ukraine đã làm tăng giá dầu, khí đốt và các mặt hàng khác, ăn sâu vào sức mua hộ gia đình và tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp và chính phủ vốn đang phải đối mặt với mức nợ cao bất thường do đại dịch. Tổ chức cho vay phát triển kêu gọi các chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đối với thương mại và dịch vụ để tận dụng nhiều cơ hội hơn cho thương mại và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để khuyến khích áp dụng nhiều công nghệ năng lượng xanh hơn.
Nhà kinh tế trưởng Aaditya Mattoo của WB cho biết: “Việc hứng chịu liên tiếp các cú sốc kinh tế ngày càng tăng sẽ khiến khả năng tài chính của các chính phủ bị thu hẹp. Sự kết hợp của các cải cách tài khóa, tài chính và thương mại có thể giảm thiểu rủi ro, phục hồi tăng trưởng và giảm nghèo”.
Báo cáo của WB đã chỉ ra 3 cú sốc tiềm tàng chính đối với khu vực châu Á: Xung đột Nga - Ukraine, thay đổi chính sách tiền tệ ở Mỹ và một số quốc gia khác và sự suy thoái ở Trung Quốc.
Trong khi lãi suất tăng có ý nghĩa trong việc hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ và kiềm chế lạm phát, thì phần lớn châu Á lại tụt hậu trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Các quốc gia như Malaysia có thể phải hứng chịu dòng chảy tiền tệ và các tác động tài chính khác từ những chính sách thay đổi đó.
Suy giảm các nền kinh tế “biên giới”
Hậu quả của xung đột Nga - Ukraine đang khiến 2 trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Cả Sri Lanka và Pakistan đều chứng kiến sự nghi ngại từ lâu về khả năng yếu kém trong quản lý kinh tế, nhưng có một danh sách hàng chục quốc gia khác cũng nằm trong vùng nguy hiểm. Một số ít đã bên bờ vực của cuộc khủng hoảng nợ sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, sự gia tăng căng thẳng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine còn kéo theo sự tăng cao của giá năng lượng và lương thực và nó chắc chắn đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Ai Cập, Ghana, Kenya và những nước cũng nhập khẩu phần lớn dầu và khí đốt cũng như các loại thực phẩm cơ bản, chẳng hạn như lúa mì và ngô đang phải đối mặt với áp lực nặng nề. Việc tăng chi phí nhập khẩu và trợ cấp cho những mặt hàng thiết yếu hàng ngày đã khiến Cairo buộc phải phá giá đồng tiền của mình lên tới 15% và tìm kiếm sự trợ giúp của IMF trong những tuần gần đây. Tunisia và một Sri Lanka kháng cự lâu năm cũng đã yêu cầu hỗ trợ.
Ghana, vẫn miễn cưỡng tiếp cận IMF, trong khi tiền tệ của họ đang trượt giá. Pakistan, quốc gia đã nhận 22 chương trình hỗ trợ của IMF, gần như chắc chắn sẽ cần nhiều hơn nữa khi giờ đây lại chìm vào tình trạng hỗn loạn.
Nhà kinh tế trưởng Charlie Robertson của Renaissance Capital cho biết: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy thêm nhiều quốc gia hơn bị ảnh hưởng”, ông Robertson nói và trích dẫn trường hợp Jordan cũng như Maroc, nơi có tầng lớp trung lưu tương đối lớn khiến họ nhạy cảm hơn với sự thay đổi chính trị.
Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cũng đưa ra lời cảnh báo đanh thép rằng “xung đột ở Ukraine đồng nghĩa với nạn đói ở châu Phi”. Trong khi đó, WB cho biết, hàng chục quốc gia nghèo nhất thế giới có thể vỡ nợ trong năm tới, đây sẽ là “đợt khủng hoảng nợ lớn nhất ở các nền kinh tế đang phát triển trong một thế hệ”.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính, các nền kinh tế “biên giới” hiện đang nợ 3,5 nghìn tỷ USD, cao hơn khoảng 500 tỷ USD so với mức trước đại dịch. Cứ thêm 10 USD chi tiêu cho một thùng dầu sẽ làm tăng thêm 0,3% thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Lebanon, con số này là 1,3%, trong khi cơ quan xếp hạng Fitch ước tính rằng, chi phí trợ cấp điện ở Tunisia có thể tăng từ 0,8% lên hơn 1,8% GDP trong năm nay.
Ông Max Castle, một nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Mediolanum Irish Operations cho biết, với việc chi phí đi vay toàn cầu hiện đang tăng nhanh chóng khi các ngân hàng lớn bắt đầu tăng lãi suất, ở một số thị trường mới nổi, các nhà nhập khẩu hàng hóa có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm sự trợ giúp.
“Đây là tình huống thích hợp để IMF can thiệp hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai”, ông Castle nói.
Ông Viktor Szabo, một nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại London, cho biết: “Đối với nhiều quốc gia, sự gia tăng giá năng lượng và lương thực sẽ có tác động đối với ngân sách, trợ cấp và sự ổn định chính trị và xã hội. Nếu không kiểm soát giá cả, tình trạng bất ổn sẽ đến, hãy nhìn lại Mùa xuân Ả Rập và vai trò của giá lương thực khi đó”.