Việt Nam đã qua đỉnh dịch Covid-19

Nghĩa Toàn (thực hiện) 08/04/2022 08:17

Covid-19 đang giảm mạnh trong những ngày qua trên địa bàn cả nước. Đây là thuận lợi rất lớn để các hoạt động kinh tế - xã hội, học tập được trở lại bình thường. Thế nhưng bộ phận không nhỏ người dân đang dần buông thả các biện pháp phòng, chống dịch.

PGS. TS Đinh Vạn Trung.

Để có cái nhìn khách quan hơn về dịch bệnh ở thời điểm hiện tại, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đinh Vạn Trung - nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108.

PV: Ông có thể đưa ra những nhận định tình hình dịch Covid-19 tại nước ta hiện nay và dự báo trong thời gian sắp tới?

PGS.TS Đinh Vạn Trung: Có thể khẳng định, Việt Nam đã đi qua đỉnh dịch với số ca mắc đang giảm mạnh một cách tự nhiên khi thực hiện bình thường mới. Nói là tự nhiên bởi khác với những lần trước, số ca mắc mới giảm nhờ các biện pháp phòng, chống dịch được Chính phủ đưa ra như giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa thì hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang chấp nhận có ca bệnh trong cộng đồng nhưng số ca nặng không cao, không bị quá tải hệ thống y tế, từ đó giảm số ca tử vong và phát triển kinh tế. Chúng ta kiểm soát dịch bằng can thiệp y tế để người dân được tiếp cận với y tế sớm hơn, hạn chế ca nhập viện và tử vong.

Có thể nói, thời điểm này Việt Nam đang đi đúng hướng. Dự đoán, trong vài tháng tiếp theo, Covid-19 tại nước ta sẽ tiếp tục giảm và dần ổn định.

Thế nhưng, trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận sự xuất hiện của những biến chủng mới, có khả năng lây lan mạnh hơn, vì thế không thể chắc chắn rằng nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại là không có khả năng. Virus ngày càng tạo ra nhiều biến chủng hơn với khả năng lây lan mạnh hơn, và có thể đột phá hệ thống miễn dịch do vaccine tạo ra nên không tránh được làn sóng mới có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.

Vậy ít nhất, trong vài tháng tới đây chúng ta có thể yên tâm về dịch bệnh, thưa ông?

- Đúng vậy, tranh thủ khi làn sóng dịch có chiều hướng đi xuống, các hoạt động xã hội, học tập và sản xuất kinh doanh nên đẩy nhanh hơn nữa việc mở cửa lại. Các hoạt động du lịch, sản xuất, kinh doanh nên tháo gỡ các hạn chế.

Theo tôi, trường mẫu giáo cũng nên nhận trẻ đi học trở lại. Trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm. Thực tế cho thấy, việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau. Bởi không bố mẹ nào có thể khẳng định các con tuyệt đối không tiếp xúc với ai hay bản thân bố mẹ và người thân xung quanh mà không có nguy cơ lây nhiễm. Trẻ càng nhỏ thì triệu chứng khi mắc bệnh càng nhẹ. Do đó, thời điểm này, chúng ta hoàn toàn tự tin cho trẻ đến trường để bảo đảm an toàn cho trẻ về mặt tâm lý và thể chất.

Như đã nói ở trên, mặc dù yên tâm nhưng vẫn không thể khẳng định Covid-19 sẽ không bùng phát trở lại. Theo ông, người dân cần thực hiện những biện pháp gì để phòng tránh nguy cơ này?

- Tốt nhất vẫn là người dân thực hiện các biện pháp 5K, bởi không chỉ phòng, chống Covid-19, các biện pháp này cũng góp phần rất lớn trong việc làm giảm các ca mắc cúm, cảm lạnh, hen suyễn, các cơn cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiều bệnh lý hô hấp khác. Bên cạnh đó, hậu Covid-19 cũng đang là một vấn đề không nhỏ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hiện nay. Thực hiện nghiêm 5K, không mắc Covid-19 vẫn tốt hơn là mắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo PGS. TS Đinh Vạn Trung, trường mẫu giáo cũng nên nhận trẻ đi học trở lại. Trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm.

Nghĩa Toàn (thực hiện)