Sân khấu tư nhân ra mắt vở diễn về Bác Hồ
Sân khấu Kịch Lệ Ngọc khởi công dàn dựng hai vở diễn mới: “Lá đơn thứ 72” và “Truyền tích Chùa Một Cột”, tiếp tục trên hành trình đưa tác phẩm sân khấu phát triển.
Thành công với đợt lưu diễn tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh và những đêm diễn tưng bừng với vở “Vang bóng một thời” tại sân khấu Nhà hát Lớn HN… đã tạo khí thế cho việc khởi công hai vở mới của Sân khấu Lệ Ngọc thêm phần hào hứng.
Đáng chú ý, Sân khấu Lệ Ngọc không ngần ngại với những đề tài khó như dựng vở về Bác Hồ qua kịch bản “Lá đơn thứ 72” (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ).Tác giả Hoàng Thanh Du tâm sự, đây là kịch bản ông dành thời gian nhiều thập niên để ấp ủ, hoàn thành và may mắn thay, cuối cùng cũng được một đơn vị nghệ thuật đưa lên sàn diễn.
Kịch bản “Lá đơn thứ 72” khai thác câu chuyện có thật về một vụ án oan sai của một đảng viên, cán bộ địa phương bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người. Ông liên tục viết thư gửi Bác Hồ kêu oan nhưng phải tới lá đơn thứ 72, lời cầu cứu mới đến được với Bác.
Bên cạnh đó, Bác đã chỉ đạo phải điều tra lại vụ án này vì biết một sự thật: tù nhân này chấp hành tốt các quy định của trại giam và luôn dành dụm số tiền ít ỏi nhờ vào lao động tại trại để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Bác Hồ tin rằng một đảng viên dù đã bị bắt, nhưng vẫn giữ niềm tin mãnh liệt vào Đảng như vậy, hẳn án của người đó có thể bị oan sai…
Đây cũng là thông điệp về một trong những hiện tượng đáng chú ý hiện nay của xã hội khi vẫn còn nhiều án oan sai, nhiều cán bộ tốt bị hãm hại. NSND Lê Tiến Thọ nhận định, đây là một trong những kịch bản hay của sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức sân khấu, phối hợp âm thanh, ánh sáng, diễn xuất của diễn viên, ngôn ngữ của hoạ sĩ để tác phẩm này có ngôn ngữ của thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Hy vọng, vở diễn cũng sẽ là tác phẩm sân khấu đặc biệt chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NSND Tiến Thọ bày tỏ.
Đảm nhận vai chính, quan trọng trong vở diễn, nghệ sĩ Văn Hải chia sẻ anh tự tin đảm nhận vai diễn Bác Hồ dù biết, đây là một thử thách lớn.
Còn đối với kịch bản "Truyền tích Chùa Một Cột” (Lê Nguyên Đạt đạo diễn, kịch bản của Lê Thế Song) - vốn cũng là thế mạnh của Sân khấu Lệ Ngọc khi đi vào khai thác câu chuyện dã sử về địa danh là di sản văn hoá, kiến trúc độc đáo thuộc vào hàng đầu của Việt Nam có từ thời Lý.
"Truyền tích Chùa Một Cột" là vở kịch dã sử nói về sự ra đời của địa danh này, mang đậm màu sắc huyền tích. Qua đó, những nghệ sĩ sáng tạo mong muốn truyền tới thế hệ trẻ sự trân trọng, tình cảm yêu quý đối với một di sản vô cùng độc đáo đồng thời có thêm những hiểu biết về giai đoạn thịnh trị của đất nước ta dưới thời Lý cùng hình tượng vua Lý Thái Tông - vị vua thứ hai của triều Lý với quan điểm trị nước lấy nhân tâm làm trọng, cũng là người có nhiều công lao dẹp yên nội loạn với những bài học cảnh giác về tinh thần giữ nước, chống giặc ngoại xâm.
Mời một đạo diễn cải lương miền Nam dàn dựng kịch bản này, đây cũng là sức mạnh tập hợp đội ngũ của Sân khấu Lệ Ngọc. NSƯT Lê Nguyên Đạt tâm đắc vì nhận ra những thông điệp ở kịch bản: đạo làm vua, làm người và đặc biệt là giá trị sức mạnh của tình đoàn kết, yêu thương đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Yếu tố văn hoá tâm linh về nguồn gốc ra đời của Chùa Một Cột theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ và câu chuyện nhà vua Lý Thái Tông mơ thấy được Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen dắt vua lên toà cũng sẽ được tác giả và đạo diễn tạo điểm nhấn, hấp dẫn cho vở kịch.
Dự kiến, tác phẩm “Lá đơn thứ 72” sẽ hoàn thành trước dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), "Truyền thuyết Chùa Một Cột" cũng sẽ ra mắt vào tháng sau.