Hành trình về nguồn cội

Tùng Duy-Huy Hoàng 09/04/2022 09:04

Lễ hội Đền Hùng năm nay có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phú Thọ bắt đầu đón du khách về với Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngay từ những ngày đầu tháng 3 âm lịch. Cũng như mọi năm, lễ hội năm nay được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính, an toàn và tiết kiệm, xứng đáng là lễ hội mẫu mực của cả nước.

Hằng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) người Việt Nam lại thành kính hướng về Đất Tổ.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Hùng năm nay có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản của nhân loại.

Phú Thọ bắt đầu đón du khách về với Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngay từ những ngày đầu tháng 3 âm lịch. Hàng loạt hoạt động và công tác chuẩn bị đón khách, như chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, quy hoạch hàng quán, dịch vụ, đặc biệt chuẩn bị kịch bản phòng, chống dịch Covid-19... đã hoàn tất nhanh chóng. Có mặt tại Đền Hùng sáng 6/3 âm lịch, ngày khai hội), phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chứng kiến hàng nghìn du khách đổ về núi Nghĩa Lĩnh trong tiết trời mát dịu, và cảnh quan Đền Hùng rất sạch đẹp.

Ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 cho biết: “Tất cả các công việc phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương đã hoàn tất. Cũng như mọi năm, lễ hội sẽ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính, an toàn và tiết kiệm, xứng đáng là lễ hội mẫu mực của cả nước. Ban tổ chức đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân hành hương. Việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn sẽ tuân thủ nghiêm 5K”.

Mở màn chuỗi các hoạt động, sáng 6/3 âm lịch đã diễn ra Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngay tại Khu di tích Đền Hùng. Thay mặt đồng bào cả nước, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã dâng hương, dâng hoa, lễ vật bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao Đức Quốc Tổ, nguyện tiếp nối truyền thống dân tộc, không ngừng rèn luyện, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và phát triển đất nước. Sáng ngày 10/4 (tức 10/3 âm lịch) diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh...

Đền Hùng.

Phần hội có nhiều hoạt động truyền thống, được tổ chức ở quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, như hoạt động trưng bày chuyên đề "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa", đánh trống đồng, đâm đuống, trình diễn hát Xoan làng cổ... Tại đây còn có biểu diễn nghệ thuật dân gian, thi gói bánh chưng, giã bánh giầy. Đặc biệt, lễ hội truyền thống đình Hùng Lô và lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội này diễn ra khá ấn tượng.

Bà Nguyễn Thị Thuyết từ Bắc Ninh hành hương về Đền Hùng ngay hôm khai hội. Bà xúc động kể về chuyến đi khi thức dậy từ 3 giờ sáng, và có mặt ở Đền Hùng rất sớm, mong được thắp nén hương lên bàn thờ Tổ Tiên: "Sau khi xuống đền, tôi rất hào hứng được cùng đâm đuống với các em học sinh ở sân lễ hội. Lần đầu tiên tôi tận mắt xem đuống, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường ở Phú Thọ, rất đặc biệt”.

Còn với ông Huỳnh Văn Nễn từ huyện Hòn Đất (Kiên Giang) xa xôi, lần đầu tiên về với Đất Tổ, chia sẻ: “Tôi đáp chuyến bay về đến sân bay Nội Bài và di chuyển lên Đền Hùng ngay, xen lẫn bồi hồi, hân hoan khi được về đây thắp nén tâm nhang tưởng niệm các Vua Hùng. Quê tôi cũng rất nhiều người mong muốn một lần trong đời được về Đền Hùng, nhất là dịp chính giỗ”.

Hành hương về núi Nghĩa Lĩnh trong ngày khai hội.

Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thành kính, linh thiêng, trang trọng và an toàn, đó là mục tiêu quan trọng trong bối cảnh đại dịch.

Ông Lê Trường Giang- Giám đốc Khu di tích Đền Hùng cho biết: "Lượng khách trẩy hội khoảng 4.000-5.000 người/ngày. Điều này đúng với dự kiến của Ban tổ chức lễ hội về xu hướng du khách sẽ tăng trở lại, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, để sẵn sàng phương án đón tiếp chu đáo, hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của đồng bào”.

Đền Hùng, điểm hẹn tâm linh của con Lạc cháu Hồng, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự lưu truyền và phát triển trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng là minh chứng cụ thể và sinh động, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc, ý thức lịch sử, ước nguyện cộng đồng trong tư duy văn hóa người Việt ngàn năm vẫn luôn luôn hòa quyện một cách tự nhiên, hình thành nên một lẽ sống, đạo lý tri ân, kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc.

Truyền thống nhân văn - thượng võ với tinh thần kiên cường, bất khuất đấu tranh trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược vì lý tưởng “độc lập, tự do và bác ái”, truyền thống thủy chung theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… Tất cả phản ánh và nhân lên từ hiện thực lịch sử để phát triển, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, cũng là bản lĩnh của sức mạnh Việt Nam

Đến thời điểm hiện nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh, chưa có bất kỳ một hồ sơ tương tự nào về Tín ngưỡng thờ Tổ tiên chung của cả một đất nước được UNESCO lựa chọn đưa vào danh mục di sản. Tính riêng có, độc đáo này trên toàn cầu về tinh thần yêu nước, đoàn kết của người Việt đã được ghi rõ: “Người Việt coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG: LỄ VÀ HỘI

Diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng... và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.

Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội tại đền Hùng:

-Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương.

-Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng đều thắp lên vài nén hương dâng lên các Vua Hùng, nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên.

Phần hội có nhiều trò chơi dân gian. Đó là những cuộc thi hát xoan- một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ đã được UNESCO công nhận; những cuộc thi vật; thi kéo co, hay thi bơi chải ở ngã ba sông Bạch Hạc - nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

M.Thủy

TU BỔ, TÔN TẠO KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG

Quá trình tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách cấp hàng năm còn hạn hẹp. Mặt khác, khả năng huy động vốn xã hội hóa đầu tư, tôn tạo di tích còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2015-2020, tổng số vốn được đầu tư là 610 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng là vốn ngân sách Nhà nước, còn lại là nguồn công đức và huy động xã hội hóa. Trong khi đó, để hoàn thành theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần khoảng 4.500 tỷ đồng. Đến nay, qua 5 năm thực hiện quy hoạch, nguồn vốn đầu tư mới đạt khoảng 15% so với nhu cầu vốn để hoàn thành các công trình, hạng mục theo quy hoạch. Như vậy, từ nay đến năm 2025, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư để hoàn thành quy hoạch là rất khó khăn.

T.Duy

Tùng Duy-Huy Hoàng