Làm gì để dẹp nạn 'xe dù', 'bến cóc'?
Dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sẽ khiến cho giao thông phức tạp hơn.
Chiêu trò để lách luật
Tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe khách trá hình đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, đặc biệt là các thành phố lớn. Những dịp cuối năm, lễ hội, nhu cầu đi lại tăng cao, các loại hình trên lại có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe… gây mất trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, xâm phạm quyền lợi của hành khách đi xe khi không có bảo hiểm cho trường hợp xảy ra sự cố giao thông; gây bức xúc dư luận xã hội...
Nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay còn sử dụng những chiêu trò rất tinh vi để cố tình lách luật. Ví dụ như đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định chỉ thông qua địa bàn Hà Nội để được đón, trả khách, hàng hóa tại nhiều nơi trong thành phố. Hay tinh vi hơn là ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành (hoặc tự thành lập) để nhận đặt chỗ, gom khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng…
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tại các bến xe lớn của Hà Nội như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình rất vắng vẻ, lượng hành khách thưa thớt dù đã cận dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Một nhà xe đi tuyến Hà Nội - Nam Định cho biết: Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nhưng hầu hết các hành khách đều bị các “xe dù” , “bến cóc” đi trước cướp khách.
Anh Trương Văn Sơn, nhà xe tuyến TP Vinh - Hà Nội chia sẻ: “Mỗi ngày nhà xe chúng tôi đang phải gánh lỗ gần 3 triệu đồng/ngày do lượng khách suy giảm vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng tăng mạnh nhưng nhà xe vẫn không tăng giá vé. Hiện mỗi lượt xe chạy, lượng khách chỉ chiếm khoảng 30% số ghế, trong khi lượng khách đi “xe dù” vẫn khá đông.
Thông tin với báo chí ông Đào Việt Long- Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe “dù”, xe khách trá hình thường lựa chọn tuyến đường hoặc vị trí đón khách ở những khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu chung cư, bệnh viện… hoặc sẵn sàng đưa đón tận nơi. Trong khi đó xe khách tuyến cố định chỉ có thể đón trả tại bến, rõ ràng là kém thuận tiện hơn.
Thậm chí, nhiều xe còn sẵn sàng vòng vo dọc đường để bắt thêm khách, nhồi nhét, thu vượt giá… dẫn đến việc hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng xe tuyến cố định; chuyển sang lựa chọn xe khách trá hình hoặc các loại hình vận tải khác.
Ông Trịnh Hoài Lam- Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay, hiện dịch Covid-19 đã giảm, song người dân vẫn đang chần chừ với việc đi lại, vì vậy, từ đợt dịch tăng cao cho đến giờ nhà xe chỉ đạt sản lượng khoảng, 30-40%, xe nào nhiều cũng chỉ được 15 khách khi xe xuất bến.
“Tuy nhiên, dự kiến dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lượng khách sẽ tăng cao, bến xe hiện cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp, các công ty du lịch để tăng cường thêm các xe nếu cần thiết sẵn sàng phục vụ các hành khách. Đồng thời, bến xe đã tổ chức quán triệt nhân viên bến xe. Mỗi khi xe ra, vào bến đều phải đo thân nhiệt, khai báo y tế. Bên cạnh đó, bến xe luôn nhắc nhở hành khách trên loa thực hiện thông điệp 5K tuyệt đối đeo khẩu trang trong suốt hành trình”- ông Lam cho biết thêm.
Quyết liệt xử lý “bến cóc”, “xe dù”
Ông Trần Nhật Quang - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Trong dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các lái xe ô tô vận chuyển hành khách (xe tuyến cố định, hợp đồng, taxi, xe buýt) vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình vận chuyển hành khách, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị vận tải trên tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe khách; các tụ điểm thường xuyên có hoạt động đón, trả khách, các tuyến đường trung tâm, khu vực các bệnh viện, trung tâm thương mại...trên địa bàn thành phố”.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng phối hợp với Phòng Quản lý vận tải Sở tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách, cơ quan báo chí để kịp thời xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách. Đặc biệt trong dịp nghỉ Lễ.
Còn theo ông Đào Việt Long, quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép; kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe núp bóng hợp đồng, du lịch… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, đốc thúc lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt.
Nhiều ý kiến cho rằng, để chặn nạn “xe dù”, “bến cóc” thì phải đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho người dân tiếp cận. Bổ sung nhiều tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện; phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối thẳng từ trung tâm đô thị và hay các khu du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô. Và cũng rất cần phân định rõ ràng giữa các loại hình vận tải, không để doanh nghiệp vận tải, lái xe lợi dụng kẽ hở lách luật.