Tai nạn lao động: Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp
Thông tin về triển khai Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra năm 2021 bao gồm: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương là trên 3.954 tỷ đồng, thiệt hại tài sản trên 18 tỷ đồng…
Gần 7.000 vụ tai nạn lao động
Đánh giá về công tác an toàn lao động, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh, Bộ LĐTBXH cho biết, năm 2021 là năm thứ 3 liên tiếp TNLĐ chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm. Điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tình hình TNLĐ vẫn diễn biến phức tạp, trong năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (giảm 1.876 vụ so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn. Tình hình TNLĐ năm 2021 trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đều giảm so với năm 2020 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người.
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2021 bao gồm cả hai khu vực như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Cụ thể, trong khu vực có quan hệ lao động, theo báo cáo của 63 địa phương, năm 2021 toàn quốc đã xảy ra 5.797 vụ TNLĐ làm 5.910 người bị nạn, trong đó: số vụ TNLĐ chết người 574 vụ; số người chết 602 người; số người bị thương nặng 1.226 người. Ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2021 các địa phương báo cáo có 22 vụ TNLĐ đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có Quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.
Báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2021 bao gồm: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 3.954 tỷ đồng (giảm 2.049 tỷ đồng so với năm 2020); thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng (tăng 14,117 tỷ đồng so với năm 2020); tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 116.377 ngày (giảm 33.947 ngày so với năm 2020).
Làm rõ trách nhiệm doanh nghiệp
Với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 31/5 ở tất cả các cấp công đoàn trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, đến nay đã có 8 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và hơn 40 địa phương xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022. Trong ngày diễn ra lễ phát động, sẽ tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong tháng phát động an toàn vệ sinh lao động sẽ có các hoạt động tập huấn, hội thi, hội thảo, tuyên truyền, hội nghị chuyên đề, tổ chức khám sức khỏe cho người lao động…
Nhìn nhận về công tác an toàn lao động, ông Thanh thừa nhận, mặc dù đã làm quyết liệt nhưng công tác bảo đảm an toàn lao động cho người lao động vẫn còn nhiều lỗ hổng. Vẫn cần nỗ lực hoàn thiện các chính sách, chế độ về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.
“Hiện chúng ta có Quỹ bảo hiểm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, là nguồn chính để hỗ trợ cho những người bị TNLĐ và thân nhân của họ. Tuy nhiên, hiện nay quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động thì có một số điều kiện mức hỗ trợ còn ở mức độ cho nên tới đây, sẽ nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi Luật an toàn vệ sinh lao động theo hướng nâng mức hỗ trợ người bị TNLĐ và thân nhân của họ cao hơn”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Thực tế quá trình triển khai chính sách, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động còn chiếm tỷ lệ lớn, phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được huấn luyện, trang bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động, nguy cơ cao mất an toàn lao động. Trong khi đó, số lao động này lại không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nên khi xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống.Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ LĐTBXH cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong lập biên bản điều tra, xác nhận TNLĐ; Nâng cao nhận thức của người lao động và doanh nghiệp về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Trong năm 2022, Bộ LĐTBXH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản. Đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo...