Tuyển sinh đại học 2022: Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin
Thông tin về tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) luôn thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của các sĩ tử. Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin (CNTT) nhằm khắc phục những hạn chế ở mùa tuyển sinh trước.
6 tuần để đăng ký nguyện vọng
Một trong những điểm mới thí sinh cần lưu ý là thay vì đăng ký trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT như các năm trước, năm nay, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau ngày kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển được thực hiện bằng phương thức trực tuyến tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT, hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, trong khoảng thời gian 6 tuần.
Đối với một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, thí sinh phải thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ xét tuyển cho cơ sở đào tạo nếu có yêu cầu (thực hiện theo quy trình của trường), đồng thời thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên Cổng thông tin của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng cần gửi hồ sơ xét tuyển thẳng về cơ sở đào tạo trước ngày 10/7/2022. Các cơ sở đào tạo sẽ gửi kết quả xét tuyển thẳng và thông báo nhập học đến thí sinh sau ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 3 ngày. Danh sách thí sinh tuyển thẳng nhập học phải được cập nhật sau ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 5 ngày.
Đối với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe, Bộ GDĐT sẽ công bố sau ngày công bố kết quả thi THPT 3 ngày.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, năm 2022 không sửa quy chế thi THPT; nội dung thi, đề thi mẫu như năm 2021. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ nay đến ngày tổ chức thi, Bộ GDĐT sẽ tham vấn các đơn vị chức năng, địa phương để quyết định thời gian, số lần tổ chức thi THPT đảm bảo thuận lợi, tính công bằng khi thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Trước đó, năm 2021 nội dung thi nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12.
Những điểm mà thí sinh cần lưu ý là việc đăng ký xét tuyển ĐH chỉ một lần. Một lần ở đây không phải là đăng ký rồi thì không thay đổi mà là thực hiện đăng ký xét tuyển chỉ trong khoảng thời gian quy định, ví dụ 3-4 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn. Khoảng thời gian này đủ cho các em lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng về các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh của mình. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường khác nhau ở các phương thức tuyển sinh khác nhau sẽ được xếp thứ tự ưu tiên của thí sinh từ 1 đến hết. Nguyện vọng 1 là nguyện vọng được ưu tiên nhất, mong muốn nhất được trúng tuyển của thí sinh (có xem xét đến năng lực của mình). Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất đã đăng ký theo nguyên tắc: Tất cả các nguyện vọng của thí sinh theo các phương án tuyển sinh của cơ sở đào tạo sẽ được lọc ảo chung trên hệ thống.
Đăng ký thi, xét tuyển bằng mã định danh với giáo dục mầm non
Theo dự kiến của Bộ GDĐT, năm nay thí sinh thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh sẽ có mã định danh (số căn cước công dân) để đăng ký. Mã này cũng dùng để xác nhận nhập học.Theo ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GDĐT), trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non là điều cần thiết. Trên cơ sở Quy chế tuyển sinh, Cục CNTT sẽ phối hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục ĐH, cơ sở đào tạo để triển khai ứng dụng CNTT và vận hành có hiệu quả, trước mắt là phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non sắp tới.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, hiện hầu hết cơ sở giáo dục ĐH đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học online nên thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi.
Còn theo ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT, tăng cường ứng dụng CNTT không những giúp thí sinh thuận lợi hơn nhiều, từ việc đăng ký dễ dàng hơn, đến việc gửi các thông tin liên quan. Đồng thời ứng dụng này cũng sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, sở GDĐT địa phương, áp dụng CNTT cũng giảm bớt các công việc, thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc cung cấp dữ liệu đã có của ngành, kết hợp với với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cũng như các cơ sở đào tạo, giúp giảm thiểu những sai sót và tăng độ tin cậy trong quá trình xét tuyển.
Để thực hiện đăng ký thi, xét tuyển bằng mã định danh, Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Chỉ đạo trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển. Cùng với đó là việc chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất... đáp ứng yêu nhiệm vụ khâu tổ chức thi THPT, hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến. Sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp khi tổ chức thi THPT để nhập dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh.