Theo Quy hoạch vừa được phê duyệt, Phân khu đô thị sông Hồng (từ cầu Hồng Hà - cầu Mễ Sở) sẽ có 532,16 ha đất dành cho giao thông, tính đến đường cấp khu vực, đạt tỷ trọng 19,12%, mật độ khoảng 7 km/km2. Theo đó, UBND TP Hà Nội đưa ra kế hoạch cụ thể về việc thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở, công viên, dịch vụ... cho từng khu vực thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Theo quy hoạch, sông Hồng là tuyến vận tải đường thủy cấp I, II, đoạn qua khu quy hoạch bố trí 6 cảng đường thủy nội địa gồm: 2 cảng chính Hà Nội và Khuyến Lương; 4 cảng địa phương Chèm - Thượng Cát, Bắc Hà Nội, Thanh Trì và cảng Bát Tràng. Chức năng, quy mô diện tích, công suất cảng được xác định cụ thể theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ được cụ thể hóa trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo ghi nhận, của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, hiện trạng các cảng đường thủy nội địa Phân khu đô thị sông Hồng đều có những trí thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, giao thông tiếp cận vào các khu vực cảng còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng lạc hậu, cũ kỹ. Tại khu vực Cảng Hà Nội rác thải, khói bụi do các xe vận chuyển hàng hóa gây mất ô nhiễm môi trường. Đa phần hàng hóa tại cảng chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng. Anh Nguyễn Văn Tuấn một người dân sống bên cảng Hà Nội cho biết: “Mỗi ngày, tại khu vực cảng, có hệ thống kho bãi tấp nập xe ra vào đổ nhận hàng từ những chiếc kho được thuê phía bên trong cảng. Khiến những tuyến đường ở đây luôn trong tình khách bụi mù mịt. Đáng nói, những dãy nhà kho đáng nhẽ phải phục vụ làm nơi để hàng từ cảng lên hoặc gom hàng để vận chuyển đi đến những nơi khác. Thì nay đã biến thành hệ thống kho bãi còn được chia nhỏ làm trụ sở, nơi sản xuất của các công ty tư nhân, làm bãi đỗ xe tải, xe khách, gara sửa chữa ô tô…”. Còn tại Cảng Khuyến Lương nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội là một trong 2 cảng chính nằm trong Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng vừa mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Cơ sở vật chất tại cảng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dãy nhà để hàng hóa của cảng cũng đang để trống. Cần cẩu khoáng sản bên trong cảng Khuyến Lương đã bị rỉ sét. Song, hàng hóa tại cảng Khuyến Lương chủ yếu là cát, đá phục vụ trạm trộn bê tông nằm ngay trong cảng. Khói bụi mù mịt, đường vào cảng ngập ngụa bùn đất, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Là một trong 4 cảng nhỏ trong Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, cảng Bát Tràng trở thành nơi đỗ xe ô tô, vắng bóng tàu thuyền qua lại. Cô Nguyễn Thị Liên người dân sống tại cảng cho hay: “Đã rất lâu rồi, cảng Bát Tràng đã không có tàu thuyền ghé qua, khu vực này biến thành nơi để ô tô của người dân trong thôn”. Lối lên xuống tàu dành cho khách du lịch cũng đã bị khóa chặt cửa, vắng bóng người qua lại. Nhiều người dân tại đây mong rằng, sau khi Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, những cảng đường thủy nội địa này sớm phát huy tối đa nhiệm vụ vận tải hàng hóa, hành khách đường thủy, tạo tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Lê Khánh