NSƯT Thanh Quý: Lận đận tình duyên, cuộc sống lẻ bóng tuổi xế chiều
NSƯT Thanh Quý - người đảm nhận vai diễn bà Nga trong bộ phim lên sóng khung giờ vàng “Thương ngày nắng về” đời thực có cuộc sống hôn nhân vô cùng lận đần. Đi qua những thăng trầm, trắc trở với hai lần đổ vỡ, NSƯT Thanh Quý vẫn chọn một mình tuổi xế chiều.
Lận đận tình duyên
NSƯT Thanh Quý sinh năm 1958, quê ở Hà Nội là nữ diễn viên gạo cội của màn ảnh Việt. Ra mắt khán giả từ năm 1976, bà đã thu về một gia tài phim đồ sộ và được ca ngợi như là "người đàn bà đẹp" trên phim thời xưa.
Sự nghiệp của NSƯT Thanh Quý thăng hoa với một loạt phim nổi tiếng "Không có đường chân trời", "Chuyện tình bên dòng sông", "Người đàn bà bị săn đuổi", "Ban mai xanh", "Luật đời", "Người phán xử"...
Thành công trong sự nghiệp, được nhận xét là nữ diễn viên tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc sống riêng tư của bà lại nặng gánh truân chuyên. Nói về cuộc đời trải qua nhiều sóng gió, NSƯT Thanh Quý suy ngẫm: "Cuộc đời là giông bão, nó đến thì nhận và phải bản lĩnh để bước qua".
Ngoài đời thực, NSƯT Thanh Quý đã trải qua 2 đời chồng nhưng chẳng mấy người biết về cuộc hôn nhân đầu tiên của chị. Với cuộc hôn nhân này, chị dường như khóa chặt trong ngăn kéo và đã vứt chìa đi để không bao giờ còn nhìn đến nó hay nói về nó.
Trong một lần hiếm hoi nói về người chồng đầu tiên, chị cũng chỉ hé mở: "Đối với người chồng đầu tiên, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, vẫn nói chuyện phiếm, vẫn mắng mỏ nhau rất thân tình".
Còn với cuộc hôn nhân thứ hai, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Sự kết đôi của Thanh Quý và họa sĩ Thành Chương nhận được sự tán dương của nhiều người, bởi họ là cặp đôi trai tài gái sắc trong làng văn hóa nghệ thuật phía Bắc. Nhưng, cuối cùng, sau hơn 20 năm chung sống, cả hai đường ai nấy đi trong sự nuối tiếc của người hâm mộ.
Chia sẻ về lần đổ vỡ thứ hai, nghệ sĩ Thanh Quý trải lòng: “Người ta nói, hậu ly hôn cần có văn hóa ứng xử với nhau. Nhưng không có được văn hóa này thì tôi không muốn liên lạc nữa. Đối với tôi, mọi chuyện diễn ra trong khoảng thời gian của cuộc hôn nhân đó giống như tôi rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Khi tỉnh dậy, mọi thứ đã bị xóa nhòa và chẳng còn điều gì đọng lại trong đầu tôi nữa. Tôi không thù hận, không căm ghét, nhưng với tôi, mối quan hệ đó là không có”.
Những thăng trầm khiến Thanh Quý có thời gian khép mình với báo chí. Chị dường như thu mình lại trong những bức tường đã xây để nghiền ngẫm về những gì đã qua. Trải qua 2 lần dang dở, nghệ sĩ Thanh Quý sống "khép mình" hơn xưa, từng có những "bờ vai" để tựa vào nhưng đến tuổi xế chiều, chị lại một mình trong nhiều hồi ức.
Trở lại màn ảnh với vai "nặng ký"
Mới đây, bộ phim truyền hình tình cảm, gia đình "Thương ngày nắng" đã lên sóng và thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Bộ phim “Thương ngày nắng về” được làm lại từ tác phẩm gốc “Mother of Mine” của Hàn Quốc.
Phim từng gây tiếng vang tại Hàn với câu chuyện về thân phận phụ nữ trong cuộc sống đương đại, khi mỗi người ở những thế hệ khác nhau phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm.
“Thương ngày nắng về” khi đưa lên màn ảnh Việt được khen ngợi về nỗ lực Việt hóa của đội ngũ biên kịch. Phim xoay quanh cuộc sống của 4 mẹ con bà Nga (NSƯT Thanh Quý) bán bún riêu, mỗi người phụ nữ trong gia đình đều phải đối diện với những vấn đề riêng, đều mang trên vai những gánh nặng, những nỗi niềm.
Nhờ nét diễn chân thật và gần gũi của chị khi hóa thân vào vai người mẹ đã khiến người xem xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng. Từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói của NSƯT Thanh Quý trong “Thương ngày nắng về” làm những người mẹ tìm thấy sự đồng cảm.
Nói về cơ duyên với vai bà Nga, NSƯT Thanh Qúy tiết lộ: “Sau rất nhiều năm hoạt động ở mảng phim truyền hình, tôi thấy may mắn khi đảm nhận vai diễn bà Nga. Trước đây, khi thấy NSND Trung Anh thể hiện hình tượng ông bố trong phim "Về Nhà Đi Con" làm mưa làm gió khắp màn ảnh, tôi cũng mong lúc nào đó trên phim có một bà mẹ gây ấn tượng mạnh, có nhiều đất diễn, có độ dài, có câu chuyện như thế để cân đối về hình ảnh người bố, người mẹ”.
NSƯT Thanh Quý tiết lộ rằng, vai diễn lần này bà vào vai phải khóc rất nhiều. Chị nói: "Cái khóc này từ thân phận của người phụ nữ đồng cảm với nhân vật trong phim. Đôi khi tôi và các bạn diễn viên trẻ tập thoại thôi mà nước mắt đã chảy tràn rồi. Nhiều lúc đạo diễn Bùi Tiến Huy phải cắt ngang, mong diễn viên nén lại cảm xúc trước khi phim bấm máy".