Học sinh mầm non đến trường: Bao ngày trông ngóng… vỡ òa
Trẻ mầm non đi học trở lại bắt đầu từ 13/4. Mở cửa trường học là điều nhiều thầy cô, phụ huynh mong chờ, nhưng bên cạnh đó các trường mầm non cũng gặp không ít khó khăn.
Sẵn sàng đưa trẻ đến trường
Sau 1 năm nghỉ học triền miên từ năm ngoái đến nay, học sinh mầm non ở Hà Nội đã được đi học trở lại. Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Thị Thanh (quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: Con trai tôi đã 3,5 tuổi rồi mà chưa được đến lớp ngày nào. Tầm này năm ngoái, gia đình đăng ký, chuẩn bị tâm lý cho con xong xuôi, dự định sau 30/4 thì cho con đi học song dịch Covid-19 bùng phát khiến mong muốn con được “đi bộ đội”, rèn nền nếp càng khó khăn hơn. Giờ thì con đã rất sẵn sàng để đi học bán trú ngay từ buổi đầu tiên đến trường”.
Còn anh Nguyễn Quốc An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua anh đã về quê đón con lên sau 1 năm gửi ông bà. Mặc dù ông bà chăm sóc còn cẩn thận hơn bố mẹ nhưng chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm học, con chuẩn bị vào lớp 1 mà chưa được chuẩn bị gì. Không chỉ là việc học chữ, học số mà rèn nền nếp, kỹ năng, ý thức để con sẵn sàng bước vào năm học đầu cấp quan trọng cũng cần được rèn giũa - điều mà chỉ có ở trường các thầy cô mới có kinh nghiệm để giúp con.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập vẫn tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng đón trẻ quay lại học trực tiếp khi có lệnh từ chính quyền thành phố. Vì vậy, quyết định mở cửa trường học mầm non từ 13/4 được đông đảo các bậc phụ huynh và giáo viên, nhà trường ủng hộ. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh Sở sẽ chỉ đạo các phòng GDĐT thống kê và có hướng dẫn cụ thể.
Về phía nhà trường, sau 1 năm cửa đóng then cài liên tục chưa một lần rậm rịch mở cửa như các cấp học khác, niềm vui được đón học sinh thực sự khó diễn tả thành lời. Bà Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, tập thể giáo viên trong trường cũng có chung tâm trạng với những giáo viên mầm non khác, đó là mong từng ngày được đón trẻ đến trường. Trong suốt thời gian 1 năm nghỉ học, nhà trường vẫn thường xuyên rà soát cơ sở vật chất như: Đồ chơi ngoài trời, trang thiết bị chăm sóc giáo dục trẻ, thiết bị vật tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh... để kịp thời sửa chữa, mua sắm bổ sung. Nay chính thức đi học, bên cạnh việc kiểm tra các yếu tố này, nhà trường còn quyết định triển khai trang trí không gian trường lớp tạo không khí vui tươi, rộn rã. Các thầy cô được huy động trong những ngày nghỉ Giỗ Tổ vừa qua để đến trường dọn dẹp, trang trí lớp học và ai cũng vui vẻ, tự nguyện.
“Trường sẽ đón khoảng 850 cháu đi học trở lại. Chúng tôi đang rất háo hức được nghe tiếng cười rộn rã của các con. Cũng mong các cấp lãnh đạo có hướng dẫn cụ thể đối với cấp học mầm non trong việc đón trẻ trở lại học trực tiếp, đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ các hoạt động học tập của trẻ” - bà Hà tâm sự.
Bà Đinh Phương Lan - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Thăng Long Academy (Hà Nội) cho biết, niềm vui trở lại trường đối với cô và đồng nghiệp là khó diễn tả thành lời. Khối trường mầm non tư thục đã gánh chịu ảnh hưởng trầm trọng của dịch Covid-19 trong suốt hơn hai năm qua. Trong khi học sinh các khối lớp lớn được tương tác trực tiếp với thầy cô qua lớp học trực tuyến, học sinh mầm non chỉ ở nhà với gia đình, thầy cô gửi video bài học, tranh ảnh minh họa qua nhóm Zalo của lớp, thực sự là một khoảng trống lớn về mặt tâm lý, kỹ năng. Quyết định mở cửa trường học từ 13/4 của Hà Nội thực sự là tin vui, “cởi trói” cho hệ thống giáo dục tư thục khiến thầy cô đón một kỳ nghỉ lễ trong tâm trạng vui mừng. Ngay sau đây, nhà trường sẽ bắt đầu mở cửa tuyển sinh trở lại vì thời gian nghỉ học quá lâu, rất nhiều phụ huynh đã có lựa chọn khác cho con hoặc số học sinh 5 tuổi chuẩn bị ra trường khiến nhà trường sẽ trống một số lượng lớp học. Ngoài ra, cũng cần khởi động việc tuyển mới giáo viên bởi một số cô giáo đã không thể chờ đến ngày mở cửa trường học, chuyển sang làm công việc khác.
Khắc phục khó khăn
Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có tổng cộng hơn 500.000 học sinh mầm non. Trước khi quyết định mở cửa trường học, Sở đã chỉ đạo các phòng GDĐT thực hiện khảo sát ý kiến phụ huynh về việc đồng ý cho trẻ đến trường và tỷ lệ đồng ý chiếm đa số các ý kiến. Các trường có 3 ngày để chuẩn bị từ khi có thông báo tới khi mở cửa trường học trực tiếp, song lại rơi vào các ngày nghỉ nhưng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non của Hà Nội đều rộn ràng sửa sang, quét dọn phòng học, chuẩn bị trang thiết bị để đón trẻ đến trường.
Tuy nhiên, như chia sẻ của nhiều lãnh đạo nhà trường, khó khăn về việc chưa thể bố trí lại ngay nhân sự phù hợp với công việc do thời gian nghỉ dịch quá lâu, các nhân viên hợp đồng này đều đã phải đi làm công việc khác. Điển hình là vị trí cấp dưỡng, nhân sự các công ty cung ứng suất ăn cho nhà trường đã chuyển nghề để mưu sinh nên ngay lập tức để tuyển được đội ngũ này là không đơn giản. Các nhà trường cần xem xét, khảo sát tỷ lệ trẻ đăng ký đi học trở lại như thế nào, ăn bán trú ra sao để bố trí nhân sự kịp thời, tránh việc các con đến trường chỉ được nửa buổi vì không sắp xếp ăn bán trú được thì sẽ rất khó khăn cho phụ huynh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập vẫn tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng đón trẻ quay lại học trực tiếp khi có lệnh từ chính quyền thành phố. Vì vậy, quyết định mở cửa trường học mầm non từ 13/4 được đông đảo các bậc phụ huynh và giáo viên, nhà trường ủng hộ. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh Sở sẽ chỉ đạo các phòng GDĐT thống kê và có hướng dẫn cụ thể sau đây.
Riêng về phương án F0, F1 các trường đã được tập huấn trong thời gian qua, các nhà trường cần có kịch bản ứng phó chi tiết, cụ thể và phù hợp với tình hình dịch bệnh và thích ứng linh hoạt hiện nay. Về phía phụ huynh, ông Cương đề nghị cần phối hợp tốt với nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Theo Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, quận đang bố trí rà soát, thống kê các trường mầm non tư thục phải dừng hoạt động trong thời gian nghỉ dịch. Từ đó, có phương án phối hợp với các ban, ngành liên quan để bố trí nơi học, đảm bảo quyền được đi học của trẻ khi học sinh toàn thành phố được đến trường.
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội:
Phối hợp tốt để an tâm cho trẻ tới trường
Với tình hình hiện nay, phụ huynh không nên lo lắng quá mà không cho bé đi học, sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Cụ thể, Omicron là chủng lưu hành chính, đa số người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng nếu như không có bệnh nền nặng. Với trẻ nhỏ, các diễn tiến bệnh thậm chí còn nhẹ hơn. Thống kê ở cả thế giới và Việt Nam đều cho thấy, tỷ lệ trẻ nhỏ bị lây nhiễm và diễn tiến nặng đều thấp hơn so với người lớn.
Trong khi đó, đi học là nhu cầu chính đáng, là quyền lợi của trẻ. Nếu để trẻ ở nhà thời gian dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành và sự phát triển, không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài. Ngoài ra, việc trẻ mầm non không được đi học trực tiếp cũng ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác như bố mẹ phải nghỉ việc ở nhà trông con, thầy cô phải đi làm việc khác để kiếm sống,…
Để phòng ngừa Covid-19 cho bé khi tới trường, gia đình và thầy cô trước tiên cần cố gắng đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh lây mầm bệnh sang các bé. Nên hạn chế để trẻ đến những nơi đông người; khử khuẩn bề mặt, vệ sinh sạch sẽ, giữ thông thoáng khu vực ngủ nghỉ, vui chơi của bé.
Phụ huynh và giáo viên cần hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng, nhắc bé rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vui chơi,… Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, nuôi dưỡng và chăm sóc thật tốt để bé có sức đề kháng tốt. Nếu bản thân trẻ hoặc thành viên khác trong gia đình có triệu chứng nghi mắc Covid-19, nên cho trẻ nghỉ ở nhà. Cần sự phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh, cơ quan y tế để trẻ được an toàn, khỏe mạnh trong trường học.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:
Không chủ quan để dạy học trực tiếp được bền vững
Hà Nội đang có hơn 500.000 học sinh mầm non, trong đó khoảng 28% trẻ theo học tại các trường ngoài công lập, tôi cho rằng cần có những phương án hỗ trợ để đảm bảo đủ cơ sở giáo dục khi quyết định cho trẻ đến trường. Vì thời gian vừa qua, nhiều cơ sở giáo dục mầm non khối tư thục dừng hoạt động, giải thể do khó khăn về tài chính…
Trẻ mầm non đến trường không đặt nặng vấn đề học mà là môi trường để trẻ rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, nền nếp… Vì vậy, phụ huynh có thể cân nhắc trong việc quyết định đưa con đến trường ngay hay chờ một vài ngày. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch từ nhà trường, yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo an toàn đến từ chính ý thức của các bé. Các thói quen như đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi đến chỗ đông người… là điều kiện cơ bản nhất để mỗi người tự giữ an toàn sức khỏe cho mình. Trẻ em cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề của người lớn là làm thế nào để trẻ nghiêm túc, có ý thức chủ động thực hiện những việc này, ngay cả khi không có sự giám sát của người lớn.
Về phía phụ huynh, mặc dù rất phấn khởi để trẻ được đến trường nhưng cũng không nên có tâm lý chủ quan trong phòng dịch. Nhất là với những trẻ trong gia đình có người nghi mắc Covid-19 cần tạm dừng đến trường để tránh lây nhiễm sang các bạn khác, dù trẻ không có dấu hiệu mắc bệnh. Đây là sự phòng ngừa cần thiết để việc đi học trực tiếp được bền vững, không mở rồi lại đóng làm ảnh hưởng đến tâm lý, nền nếp sinh hoạt của trẻ.
Lâm An(ghi)