Sẵn sàng đón học sinh
Tình hình dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, mọi hoạt động của xã hội bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới. Học sinh tiểu học và lớp 6 cũng đã đi học trực tiếp. Và từ ngày 13/4, hơn 500.000 trẻ theo học các lớp mầm non ở Hà Nội cũng trở lại trường trong niềm vui của cả thầy cô và cha mẹ học sinh.
Ngày mai (13/4) nhiều trường mầm non tại Hà Nội mở cửa đón học sinh trở lại. Khỏi phải nói hết niềm vui của các bậc phụ huynh, giáo viên và các em nhỏ sau gần 1 năm phải nghỉ ở nhà để phòng dịch Covid-19.
Để đảm bảo tiến độ đón học sinh trở lại trường, ngay trong kỳ nghỉ vừa qua hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đều hối hả, khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập để sẵn sàng đón học sinh thân yêu.
Quyết định mở cửa trường mầm non trở lại được UBND TP Hà Nội đưa ra dựa trên tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Theo nhận định của Sở, tình hình dịch bệnh tại thành phố đã chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh trong thời gian gần đây. Trước đó, bắt đầu từ 6/4, học sinh từ lớp 1- lớp 6 được trở lại trường với tỷ lệ đi học trực tiếp đạt 93,7%. Theo quyết định của thành phố, các trường mầm non đón trẻ, tổ chức bán trú và dạy hai buổi một ngày dựa trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh. Tương tự cấp phổ thông, trường mầm non phải đạt chuẩn theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở GDĐT, chuẩn bị cơ sở vật chất và các tình huống khi có F0, vệ sinh và khử khuẩn trước và sau buổi học.
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, Hà Nội là địa phương cho trẻ mầm non nghỉ ở nhà lâu nhất. Thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với gần 600.000 trẻ theo học. Các em đã nghỉ học, ở nhà hoàn toàn kể từ tháng 4/2021. Chính vì thế, quyết định hỏa tốc cho học sinh mầm non đi học trở lại từ ngày 13/4 của UBND TP Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh học sinh và các nhà trường, dù với nhiều trường tư thục, thời gian chuẩn bị là quá gấp gáp.
Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, mầm non là bậc học nghỉ dài nhất và cũng là bậc học duy nhất không triển khai học trực tuyến. Dù theo yêu cầu của Bộ GDĐT và ngành Giáo dục Thủ đô, các giáo viên hàng tuần vẫn gửi các bài học cho học sinh, nhưng theo đánh giá của các phụ huynh, hiệu quả giáo dục trực tuyến với học sinh lứa tuổi này không cao. Đặc biệt, việc học sinh mầm non nghỉ học quá lâu cũng gây xáo trộn lớn với cuộc sống của các gia đình khi các con còn quá nhỏ, không thể tự ở nhà một mình như học sinh các bậc học lớn hơn.
Điều đáng lưu tâm là sau hai năm liên tiếp bị tác động bởi dịch Covid-19, các trường mầm non tư thục tại Thủ đô đã nhiều lần phải tạm dừng hoạt động. Thực trạng này khiến nhiều cơ sở buộc phải đóng cửa, phá sản, giáo viên thất nghiệp buộc phải loay hoay với đủ thứ nghề để mưu sinh… Một thống kê sơ bộ cho hay, có tới 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu kéo dài, trong khi đây là nơi học tập của gần 30% trẻ em trong độ tuổi mầm non. Các chuyên gia cũng nhận định, khi các cơ sở mầm non tư thục chao đảo vì dịch thì tới đây nhiều trẻ em có nguy cơ thiếu chỗ học.
Việc mở của trường học trở lại với các cơ sở mầm non tư thục, ngoài công lập, niềm vui càng lớn hơn nữa khi mở lại trường đồng nghĩa với việc chủ trường sẽ có nguồn thu, có thể tiếp tục duy trì trường lớp, giáo viên có việc làm và có thu nhập, dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của đại diện các trường mầm non tư thục, so với các trường công, khối trường tư có nhiều khó khăn hơn như cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng sau một năm đóng cửa, thiếu giáo viên do nhiều cô đã chuyển nghề vì nghỉ dịch quá lâu, thiếu tài chính do cả năm trời chỉ chi mà không có thu… Tuy nhiên, các trường này sẽ cố gắng, nỗ lực để có thể đảm bảo được chỗ học cho học sinh. Đồng thời các cơ sở mầm non ngoài công lập cũng bày tỏ mong muốn sớm nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể vực dậy hệ thống mầm non tư thục sau những ảnh hưởng quá nặng nề của dịch Covid-19.