Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì có nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất. Bài 1: Những người tiên phong đi xây dựng kinh tế mới
Báo Đại Đoàn Kết nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của hơn 100 hộ dân tại xóm núi Voi (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) về việc đất ở và đất sản xuất của bà con bị quy hoạch chồng lấn vào đất rừng phòng hộ, khiến cuộc sống khó khăn.
“Bỏ phố lên rừng”
Chúng tôi tìm đến nhà ông Vương Nhơn (93 tuổi) ở thôn Định An (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) - một trong những người đầu tiên đi khai phá, xây dựng kinh tế mới tại khu vực núi Voi cách đây gần nửa thế kỷ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nhơn nhớ lại: Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, hưởng ứng chủ trương đi xây dựng kinh tế mới của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lâm Đồng, gia đình ông cùng với hơn 20 hộ gia đình khác đã di chuyển từ phường 1 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) tới khu vực núi Voi để khai phá, xây dựng vùng kinh tế mới.
Ông Nhơn kể: Thời đó, khu vực núi Voi còn hiểm trở, đường đi lối lại hầu như chưa có, nên việc khai phá, xây dựng kinh tế mới gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do mà nhiều người không muốn từ bỏ TP Đà Lạt để lên đây xây dựng kinh tế mới. Song, chính Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng lúc đó là ông Chế Đặng đã đích thân tới gặp từng hộ dân để tuyên truyền thuyết phục bà con đi xây dựng kinh tế mới. Vì thế, gia đình ông Nhơn và hơn 20 hộ gia đình khác đã rời TP Đà Lạt để lên núi khai phá, xây dựng kinh tế mới. Họ ra đi với niềm tin rằng sẽ được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Mục tiêu khi đưa hơn 20 hộ dân từ TP Đà Lạt lên khu vực núi Voi xây dựng kinh tế mới là khai phá đất hoang để trồng trọt, chăn nuôi. Song, sau khi các hộ dân đi kinh tế mới xây dựng xong hồ nước thì tỉnh hết kinh phí nên không thể tiếp tục triển khai chăn nuôi như dự kiến mà phải “gửi” số hộ gia đình này vào Hợp tác xã Mua Bán (xã Hiệp Thành) khi đó để sản xuất nông nghiệp.
Trụ vững gần nửa thế kỷ
Cũng là một trong số hơn 20 hộ dân được chính quyền tỉnh Lâm Đồng động viên lên khu vực núi Voi xây dựng kinh tế mới, ông Nguyễn Văn Tề từng chứng kiến biết bao thăng trầm của xóm dân cư “phố núi”. Để thêm phần thuyết phục, ông Tề dẫn chúng tôi lặn lội lên tận hồ nước được các hộ dân đi kinh tế mới thời đó xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch tỉnh Chế Đặng. Mục đích của người đàn ông đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy này là muốn chứng minh rằng, các hộ dân lên khu vực núi Voi khai phá đất hoang, xây dựng kinh tế mới là theo chủ trương của tỉnh Lâm Đồng, chứ không phải là dân du canh du cư đi đốt rừng làm nương rẫy.
Ông Nguyễn Văn Tề cho biết, hơn 20 hộ dân tiên phong đi xây dựng kinh tế mới tại khu vực núi Voi nay lại phải sống trong nỗi lo sợ bất an bởi không biết đến lúc nào thì họ sẽ bị các cấp chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi đất ở và đất sản xuất. Nhiều người chỉ có nơi ở duy nhất tại xóm dân cư núi Voi, nếu bị cưỡng chế thu hồi thì họ sẽ không còn nơi nào để tá túc.
Ngồi trầm ngâm khá lâu, ông Tề kể: Từ khi gia đình ông và hơn 20 hộ dân được đưa lên khu vực núi Voi xây dựng vùng kinh tế mới, mọi người luôn chăm chỉ làm ăn với niềm tin rằng sẽ làm vùng rừng núi hoang vu nơi đây trở thành thôn xóm dân cư đông đúc, trù phú. Với sự kiên trì vượt khó vượt khổ, người dân xóm núi Voi không chỉ trụ vững ở đây suốt gần nửa thế kỷ, mà còn dần biến vùng đất hoang sơ thành nơi có sức sống, đẹp đẽ nên thơ khiến nhiều người muốn đến sinh cơ lập nghiệp.
Bỗng dưng thành người lấn chiếm đất rừng?
Khi gặp chúng tôi, hầu hết bà con xóm dân cư núi Voi đều tỏ ra buồn bã vì bị coi như những người lấn chiếm đất rừng. “Chúng tôi lên đây khai phá đất hoang theo chủ trương của tỉnh từ 46 năm trước. Trong khi đó, họ (UBND tỉnh Lâm Đồng) chỉ mới quy hoạch nơi đây thành rừng phòng hộ cách đây gần 20 năm. Vậy sao lại nói chúng tôi lấn chiếm đất rừng phòng hộ?” - ông Tề bức xúc.
Dù gia đình ông Vương Nhơn đã được cấp sổ đỏ cho mảnh đất đang ở, nhưng người đàn ông đã qua tuổi 90 cũng không khỏi ngậm ngùi cho bà con cùng đi xây dựng kinh tế mới với ông thời đó. Ông Nhơn cho biết, từ những năm trước đã nhiều lần người dân xóm núi Voi đề nghị chính quyền huyện Đức Trọng cấp sổ đỏ cho diện tích đất ở, đất sản xuất của họ nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông hoặc sự im lặng đáng sợ. Rồi sau đó cứ người dân dựng lều lán để ở, để sản xuất nông nghiệp thì lập tức bị chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh tới cưỡng chế phá dỡ. “Họ (UBND huyện Đức Trọng và UBND xã Hiệp An - PV) bảo không quan tâm chúng tôi tới đây khai hoang xây dựng kinh tế mới từ bao giờ, theo chỉ đạo của ai. Họ chỉ biết giờ chúng tôi đang lấn chiếm rừng phòng hộ theo quy hoạch nên cứ xây dựng công trình trái phép là phá dỡ” - ông Tề kể.
(Còn nữa)