Đánh thức vùng 'đất thép thành đồng'
Vùng tây bắc TP HCM, trong đó có huyện Củ Chi sẽ không lên quận mà được quy hoạch phát triển thành thành phố trực thuộc TP HCM. Trong khi đó, huyện Hóc Môn cũng được quy hoạch lên cấp quận (hoặc thành phố trực thuộc) vào trước năm 2025.
Chiều 12/4, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng sự tham dự của khoảng 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước....
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nêu thông điệp của thành phố khi kêu gọi đầu tư vào khu vực Tây Bắc thành phố. Đó là việc nhanh chóng phát triển khu vực này trở thành đô thị đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của cả thành phố.
Đây cũng là nơi mà TP HCM muốn thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các cam kết đồng hành cùng đội ngũ doanh nghiệp. "Thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn", ông Nguyễn Văn Nên cam kết.
Nhưng trước hết để huyện Củ Chi và Hóc Môn trở thành một vùng cực tăng trưởng quan trọng phía bắc thành phố, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM nhận xét, cần đến một chiến lược rất dài hơi và sự quyết tâm cao nhất của cả hai địa phương này.
Quá trình phát triển đô thị ở vùng này đòi hỏi phải dành một khu vực diện tích đất thỏa đáng cho nông nghiệp và du lịch sinh thái. Riêng Củ Chi được định hướng phát triển thành vành đai xanh của TP HCM và chắc chắn ở đó không để tình trạng đô thị hóa tự phát, xây cất tự phát.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM góp ý, hạ tầng giao thông của tây bắc thành phố phải được ưu tiên đi trước, nhất là khu vực cũng là nơi xây dựng hai công trình rất lớn là các Vành đai 3, 4.
Các dự án này cùng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ là chìa khóa giúp cả hai địa phương phát triển, đồng thời kết nối giao lưu với các tỉnh và nước bạn Campuchia. Tương lai, vùng tây bắc thành phố còn hình thành cả tuyến đường sắt đô thị hiện đại.
Cũng theo ông Lâm, thành phố kỳ vọng khi phát triển hạ tầng giao thông tại vùng này sẽ tối ưu hóa được khả năng liên kết vùng, từ đó khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, đường bộ và phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai trong tương lai gần.
Hiện tại, Sở này cũng đã đề xuất UBND TP HCM về cơ chế và kế hoạch huy động nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Tại hội nghị, đại biểu doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng bày tỏ rất quan tâm đến một số lĩnh vực đặc thù tại vùng tây bắc TP HCM, bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao và phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, đại diện của CMIA Capital Partner và Surbana Jurong, là các nhà đầu tư vào dự án “Đô thị sinh thái Nông nghiệp thực phẩm công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi rất kỳ vọng sẽ thành công tại TP HCM.
Đại diện Clause Việt Nam tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho biết, doanh nghiệp nước ngoài này đang tập trung phần lớn hoạt động kinh doanh với tổng vốn đầu tư 2 triệu Euro tại Củ Chi. Đồng thời, việc đầu tư sản xuất các loại hạt giống cung cấp cho thị trường Việt Nam và quốc tế vẫn đang rất thuận lợi tại đây.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra lễ trao 10 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng) cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, một số Sở ngành và doanh nghiệp đã ký kết 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng).