'Ma men' sau tay lái
Vi phạm nồng độ cồn, nói một cách dễ hiểu là lái xe nhưng vẫn uống rượu bia, rất có thể dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT). Thực tế cho thấy, trong tổng số các vụ TNGT (đường bộ) thì lái xe uống rượu bia vẫn cầm lái chiếm tỷ lệ lớn, kể cả những vụ TNGT thảm khốc khiến nhiều người tử vong.
Luật pháp cũng quy định rất rõ các hình thức xử phạt đối với người lái xe gây TNGT. Riêng với việc lái xe sử dụng rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định mức phạt đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn. Bao gồm xe đạp, xe máy, ô tô; máy kéo, xe máy chuyên dùng. Với mỗi loại phương tiện và tùy vào mức độ sẽ áp mức phạt tương ứng.
Ở đây, xin được nói về mức phạt đối với người lái ô tô khi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng; Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng; Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng; Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.
Như vậy, mức quy định phạt đối với các trường hợp lái ô tô khi vi phạm nồng độ cồn là rất rõ ràng và có thể nói là đủ sức răn đe (trong trường hợp chưa (không) gây TNGT). Tuy nhiên, bất chấp quy định, việc lái xe uống rượu bia vẫn cầm lái vẫn khá phổ biến, kể cả lái xe chở hàng, chở khách hoặc lái xe cá nhân.
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (từ ngày 9 đến ngày 11/4/2022), lực lượng CSGT đường bộ các địa phương đã xử lý tới 15.951 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó 1.040 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; nộp Kho bạc Nhà nước 17,18 tỷ đồng; tạm giữ 62 ô tô, 1.971 xe máy; tước 1.236 giấy phép lái xe.
Đó là những con số rất đáng lo ngại. Người ta “mải vui” lễ hội mà quên mất việc chấp hành luật lệ giao thông, quên mất ý thức bảo vệ tính mạng của mình cũng như tính mạng của người khác. Không thể dựa vào lễ hội để vi phạm luật lệ giao thông, để thả sức uống rượu bia bất chấp hiểm nguy mà mình có thể đem đến cho người khác. Ở nhiều quốc gia, uống rượu bia mà vẫn cầm lái là điều tối kị, bị phạt rất nặng. Chính vì thế đã tạo thành ý thức cho bất cứ ai trước khi ngồi sau tay lái. Cố nhiên vẫn có người say xỉn cầm lái, nhưng đó là trường hợp hãn hữu. Còn ở ta, với con số thống kê kể trên của cơ quan chức năng thì không thể nói là “hãn hữu”, mà còn có thể coi là phổ biến. Sự phổ biến vô cùng đáng lo ngại.
Lâu nay, TNGT ở ta luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Trong đó, số vụ TNGT đường bộ vẫn ở mức rất cao. Chỉ tính trong quý 1 năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.762 vụ TNGT. Số vụ TNGT giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số người chết tăng: TNGT làm 1.676 người chết, 947 người bị thương và 794 người bị thương nhẹ.
Nếu so với thiệt hại do thiên tai gây ra cũng trong quý 1/2022 mới thấy TNGT ghê gớm đến mức nào: Trong quý 1, thiên tai làm 3 người chết và mất tích; 1 người bị thương.
Trở lại với vấn nạn uống rượu bia vẫn lái xe, theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan rượu bia. Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT, có tới gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Chính vì thế, việc tăng cường kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn với lái xe cần được đẩy mạnh hơn; không chỉ đợi khi xảy ra TNGT mới kiểm tra để tìm nguyên nhân, xử lý. Việc chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ mà cơ quan chức năng đã xử lý tới 1.040 trường hợp vi phạm nồng độ cồn là tín hiệu tích cực để chặn việc các “ma men” vẫn thản nhiên điều khiển xe, bất chấp luật pháp, coi thường mạng sống con người. Tinh thần kiểm tra, kiểm soát ấy cần được duy trì thường xuyên, chứ không chỉ là vào dịp cao điểm nào đó.