Khát vọng lên bờ - Bài cuối: Chông chênh giấc mơ ngày về
Và như đã hứa, chúng tôi đến thăm tư dinh của những ngư thủy thuộc thế hệ thứ 2 đang mưu sinh trên hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội).
Lời ru buồn trên sóng lênh đênh
Nghe thấy tiếng gọi của ông Tưởng, anh Trang con trai ông cố thả hết tấm lưới đang buông dở rồi quay thuyền vào bờ đón chúng tôi. Đợi mọi người yên vị trên chiếc thuyền, anh hồ hởi khoe với bố, có bác Nguyễn Văn Vĩnh cũng đến thăm từ sáng.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người dân thuộc ngõ Thượng Giáp, xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội). Người đồng niên, đồng nghiệp với ông Nguyễn Thái Tưởng thời Ty Thủy sản Hà Tây. Ông Vĩnh sau hơn 40 năm lênh đênh khắp các dòng sông miền Bắc, giờ neo về Suối Hai tiếp tục cuộc mưu sinh ở tuổi xế chiều.
“Nhá nhem tối thì mang lưới đi thả, thả xong lưới thì thả đến rọ. Hai tiếng đi vớt một lần. Cứ thế, đến bốn giờ sáng thì lên chợ soi đèn bán cá. Hôm được nhiều thì mua thêm cân gạo, mớ rau. Còn đâu thì phơi khô, chờ đến cuối tháng gửi về cho gia đình” - ông Vĩnh kể.
Theo ông Vĩnh, khoảng năm 1979, ông cùng những ngư thủy kéo nhau lên dòng sông Cầu (Hiệp Hòa, Bắc Giang) để đánh bắt. “Thời ấy, cá trên các dòng sông còn nhiều. Chúng tôi vài gia đình tỏa đi các ngả. Ở đâu có nhiều cá, tôm thì báo cho nhau” - ông Vĩnh nhớ lại.
Cũng chính trên dòng sông này, ông gặp và nên duyên với một người phụ nữ. Cùng làm nghề sông nước nên họ dễ hiểu và đồng cảm. Cưới nhau được hơn 1 năm thì họ có con đầu lòng. Thằng bé được sinh ra trên dòng sông Lường (thuộc xã Đông Xuyên, Yên Phong, Hà Bắc cũ). Rồi đứa thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 nối tiếp nhau chào đời.
“Cũng chẳng nhớ hết là chúng sinh ở đâu. Chỉ biết rằng vợ đau đẻ là neo thuyền vào bờ, đưa lên trạm xá hoặc nhờ bà đỡ xuống thuyền giúp cho. Sau đó, xin giấy chứng sinh ở nơi neo thuyền ấy rồi đợi đến Tết về quê khai sinh một thể” - ông Vĩnh kể.
Sau khi cá, tôm ở dòng sông Cầu đã cạn kiệt, nhóm của ông Vĩnh lại ngược dòng lên sông Đà (Hòa Bình) để mưu sinh. Tuy nhiên, càng về sau này, cá tôm càng hiếm cộng với việc người dân bản địa nuôi trồng thủy sản nên càng khó khăn hơn. “Họ làm lồng bè, nuôi trồng rải khắp lòng sông, nên việc đánh bắt tự nhiên và thủ công như chúng tôi ngày càng khó khăn hơn” - ông Vĩnh chia sẻ.
Nói về những cơ cực, mất mát đối với nghề lênh đênh sông nước này, ông Vĩnh cho biết, sợ nhất là những cơn giông ập đến lúc nửa đêm. Không biết bao gia đình ly tán, cha mất con, vợ mất chồng vì những thiên tai bất thường như thế.
Không ít câu chuyện thương tâm xảy ra trên sông. Có gia đình, sáng vợ mang cá lên chợ bán, chồng ở nhà mệt quá ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy không thấy con đâu. Tiếng gọi con của đôi vợ chồng như lạc vào dòng sông, vô vọng.
Trong ký ức của ông Vĩnh, có những nỗi ám ảnh đeo bám không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Đó là vào năm 2015, khi nhóm của ông đang neo đậu, đánh bắt ở khu thủy điện Sơn La.
“Đêm ấy, giông tố nổi lên, vợ chồng anh Khải (SN 1991, cùng xóm 18 Bãi, Đồng Mai - Hà Đông) bị lật thuyền. Anh Khải may mắn bám được vào chiếc can nhựa thoát nạn, nhưng vợ và đứa con chưa kịp sinh vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông” - ông Vĩnh đau xót, chia sẻ.
Rồi ông đọc vanh vách từng người, từng gia đình gặp nạn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La trong những năm tháng đánh bắt ở đây, mỗi cái tên ông Vĩnh đều dừng lại...
“Chúng tôi vẫn đang chờ”
Trở lại tổ 18 Bãi, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Chắc (SN 1953), người gần cả cuộc đời gắn liền với các dòng sông. Ông Chắc có 4 người con, tất cả đều theo nghề cha. 3 năm trở lại đây, nguồn cá đã cạn kiệt nên cả 4 người đều bỏ thuyền về quê.
“Đứa thì đi phụ hồ, đứa thì đi bốc vác. Không nghề, học hành chữ còn chữ mất. Ruộng thì không có nên ai thuê gì thì làm nấy thôi” - Ông Chắc chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của các bậc cao niên ở xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi, khó khăn lớn nhất là không có ruộng rồi, nhưng nỗi lo nữa là các cháu đến tuổi đi học, vì hoàn cảnh khó khăn nên đều phải xin học trái tuyến, mà học trái tuyến cũng đồng nghĩa với việc tốn kém hơn.
Tổ dân phố 18 Bãi hiện có 129 hộ gia đình với 554 nhân khẩu. Trong đó, khoảng 40% người dân làm nghề đánh bắt cá trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Và cũng có tới 60% người dân không biết chữ. Có những gia đình, con cái chỉ học hết lớp 7, lớp 8 rồi theo bố, mẹ ngược xuôi trên các lòng sông.
Từ những năm 1993, khi phường Đồng Mai còn thuộc huyện Thanh Oai những hộ dân xóm ngư nghiệp này không được chia đất sản xuất theo Nghị định 64-CP của Chính phủ.
“Từ những năm 1994 - 2009, chúng tôi liên tục làm đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng vẫn không có đất sản xuất” - ông Nguyễn Thái Tưởng cho biết.
Theo ông Tưởng, trước đây UBND phường Đồng Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) có thông báo là đến tháng 6/2019 UBND phường sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu, theo đó người dân trong tổ 18 Bãi có quyền tham gia đấu giá để có đất sản xuất.
“Tuy nhiên, chúng tôi chờ đến nay vẫn chưa thấy có thông tin gì” - ông Tưởng nói.