Dè dặt tiêu dùng trong 'bão giá'
Căng thẳng Nga - Ukraine đã khiến giá xăng dầu tăng cao, việc này đẩy giá các mặt hàng khác tăng. Thay vì thả ga mua sắm như trước đây, nhiều người tập trung “săn” hàng giảm giá, khuyến mãi...
Đổ xô “săn” hàng giảm giá
Thấy xe tải chở cá từ Bến Tre rao bán đồng giá 45.000 đồng/kg, bà Phạm Ngọc Hạnh (đường Tam Đa, phường Long Trường, TP Thủ Đức) vội vàng ghé mua. “Cá rẻ và tươi ghê. Cá như vậy ngoài chợ bán rẻ cũng phải 100.000 đồng/kg”, bà Hạnh cho hay rồi nhanh tay nhặt những con cá tươi ngon nhất.
Tuy nhiên, đang say sưa nhặt cá, bà Hạnh chợt ngưng lại và bỏ bớt vài con ra khỏi rổ rồi phân trần: “Khoản đi chợ hàng ngày của hai vợ chồng và hai đứa con chỉ ở mức 100.000 đồng/ngày. Nếu mua cá nhiều sẽ hụt tiền mua rau và các gia vị khác”.
Theo chia sẻ của bà Hạnh, tổng thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân khoảng 13 - 14 triệu đồng/ tháng nhưng lại bao gồm hàng loạt khoản phải chi: Nhà trọ và các khoản điện nước ngốn hết gần 3 triệu đồng, 2 đứa con nhỏ đi học ít nhất cũng mất 5 triệu đồng/tháng, rồi tiền sữa cũng gần 2 triệu đồng/tháng.
“Chắt bóp chi tiêu lắm thì 1 tháng hai vợ chồng dư được 2 triệu đồng. Mấy tháng trước gồng mình vì dịch bệnh, giờ giá hàng hóa tăng cao chịu không nổi. Tình trạng này kéo dài vợ chồng tôi tính chuyện về quê để giảm bớt khoản chi...” - bà Hạnh than thở.
Đồng cảnh, bà Nguyễn Thị Dung (đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7) cho biết: “Giờ mặt hàng nào cũng tăng giá, cầm 200.000 đồng đi chợ tiêu vèo cái đã hết. Hôm trước trên đường đi làm về thấy có điểm bán thanh long 0 đồng, tôi đắn đo chút song cũng vào chọn 3 trái. Bình thường chắc tôi không vào lấy thanh long 0 đồng đâu, để nhường cho người khó khăn hơn. Nhưng thật ra, trong thời điểm hiện nay ai cũng khó”.
Bà Dung cho hay, mới đây qua nói chuyện với những người gần nhà biết có siêu thị tặng 2 kg rau xanh khi mua hóa đơn trên 100.000 đồng vào lúc 19 giờ hàng ngày nên bà tranh thủ đi mua.
“Cứ mấy ngày tôi lại vào siêu thị Bách Hóa Xanh mua khoảng 100.000 đồng để được tặng 2 kg. 2 kg rau này nếu mua bên ngoài cũng phải mất 50.000 - 60.000 đồng” - bà Dung nói.
Nhiều người nội trợ cho rằng, giá hàng hóa tăng cao nên đã khó lại càng thêm khó. Để “thắt lưng buộc bụng” trong cơn bão giá thì món gì rẻ, giảm giá, khuyến mãi sẽ được lựa chọn.
Kích cầu bằng cách giữ giá
Theo khảo sát của tổ chức Kantar, trong đợt dịch vừa qua, cả những gia đình có thu nhập cao cũng dè chừng với Covid-9. Trong đó, 30% cho biết, sợ kinh tế khó khăn nên cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, kinh tế phục hồi nhanh song vẫn còn nhiều ngành ảnh hưởng nặng nề khiến sức mua của người dân suy giảm.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 ngành bán lẻ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề khi tổng doanh số giảm đến -3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015, riêng TP HCM giảm đến -21,9%.
Ghi nhận thực tế cho thấy, sức mua ảnh hưởng từ dịch bệnh chưa được cải thiện như mong đợi, mặc dù hệ thống bán lẻ thực hiện kích cầu bằng cách giảm giá, khuyến mãi. Mới đây sức mua trên thị trường bán lẻ tiếp tục bị đè nặng bởi “bão giá” hàng hóa.
Đánh giá về sức mua, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho hay, trong quý đầu năm 2022, giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 0,84%). Sức mua hàng hóa của người dân chưa phục hồi khiến tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm nay ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%).
Đánh giá về sức mua, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho hay, trong quý đầu năm 2022, giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 0,84%).
Sức mua hàng hóa của người dân chưa phục hồi khiến tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm nay ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%).
Chia sẻ với những khó khăn mà người tiêu dùng đang đối diện, một số hệ thống bán lẻ chủ động mở đợt giảm giá hàng hóa. Giá cả hàng trăm mặt hàng được kéo giảm giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.
Ông Nguyễn Trần Phú - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM nhận định, từ đầu năm đến nay đã có nhiều mặt hàng tăng giá do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Đặc biệt tăng mạnh trong năm 2022 vì nguồn cung hạn chế do căng thẳng giữa Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, một số nhà sản xuất cũng đề nghị tăng giá sản phẩm.
Theo bảng thống kê giá bình ổn các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023 cho thấy, có 10 nhóm hàng đề nghị tăng giá như: dầu ăn (tỷ lệ điều chỉnh 24%), thịt gia cầm điều chỉnh tăng 10 - 27% và trứng gia cầm điều chỉnh tăng từ 5 - 9%....
Tuy nhiên, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp sản xuất tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá hợp lý nhất so với thị trường nên thống nhất giữ nguyên giá như năm 2021.
Đơn cử, có 6 nhóm hàng còn lại giữ nguyên giá như: thịt heo, dầu ăn, gạo, đường, muối, sữa, văn phòng phẩm.