Đổi mới phương pháp dạy học vì học sinh
Sau gần 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở các khối lớp 1, 2 và 6, nhiều giáo viên chia sẻ về những “trái ngọt đầu tiên” khi thay đổi phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Giáo viên được trao quyền sáng tạo
Bà Trương Thị Trâm Anh (Trường THCS Quang Trung, Tân Phú, Đồng Nai) cho biết, sau khi được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn Chương trình GDPT 2018, giáo viên đã hiểu được sâu sắc hơn những hoạt động dạy học theo phương pháp mới - điều mà trước đó khi tiếp cận chương trình GDPT tổng thể giáo viên còn khá mông lung.
Kết hợp với quá trình tự học, tự bồi dưỡng bản thân, cô trò vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm, đến nay hiệu quả đạt được rất rõ ràng khi học sinh tự tin trình bày các ý tưởng của bản thân, mạnh dạn nêu các thắc mắc, ý kiến sau khi tự tìm hiểu nhiều nội dung liên quan đến bài học được giáo viên giao về nhà nghiên cứu…
“Giáo viên lúc này đóng vai trò như một người hướng dẫn, gợi mở các vấn đề để học sinh tự tìm hiểu, nêu quan điểm và tranh luận để đi đến thống nhất về bài học. Điều này khác hẳn với việc truyền thụ kiến thức một chiều, chủ yếu là giáo viên nêu vấn đề, học sinh tranh luận xoay quanh nội dung đó” - bà Anh bày tỏ và cho biết, với phương pháp học mới này, đòi hỏi học sinh phải chuẩn bị kỹ càng bài ở nhà theo các hướng mở khác nhau. Giáo viên cũng phải tìm đọc tài liệu đa dạng hơn để có thể giải đáp được các thắc mắc phong phú của học sinh.
Dạy học thoát ly sách giáo khoa (SGK) là điều nhiều giáo viên đã áp dụng thành công khi giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Ông Nguyễn Mạnh Cường - giáo viên môn Âm nhạc tại Trường Tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, trước đây dù học hát nhạc, nhưng việc nghe âm thanh của học sinh lại rất hạn chế, chủ yếu vận động tại chỗ. Với phương pháp dạy học mới, các thầy cô có thể sử dụng các video, đoạn nhạc, bài hát, trình chiếu và phát để học sinh nghe và làm theo. Hoặc giáo viên có thể tổ chức các trò chơi, các hoạt động nhóm, có các cách để khuấy động tinh thần sôi nổi trong lớp học.
Điều này khiến học sinh vô cùng hứng thú vì được trực tiếp cùng tham gia vào bài học, được trải nghiệm bài hát qua các hình thức khác nhau với âm thanh, hình ảnh mang sức nặng hơn nhiều so với cách dạy đơn lẻ trước đây.
Đổi mới vì học sinh
Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực thay vì truyền thụ kiến thức như chương trình hiện hành nên yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với đội ngũ giáo viên đó là đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng này. Cụ thể, khi SGK không còn là pháp lệnh, để triển khai bài dạy tốt, giáo viên được trao quyền chủ động, đồng thời chương trình cũng yêu cầu giáo viên phải tích cực, chủ động trong việc lựa chọn, kết hợp các ngữ liệu, phương pháp giảng dạy phù hợp.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh, việc đổi mới phương pháp dạy học cần được thực hiện trên cơ sở phân hóa đối tượng, các căn cứ về điều kiện, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở người học để từ đó lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp.
Đặc biệt, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong tổ chức dạy học thông qua việc sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến. Giáo viên cần chú trọng việc tổ chức cho người học thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp đồng thời coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn việc học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.
Giáo viên có thể tổ chức, hướng dẫn hoạt động, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia các hoạt động học tập, tự khẳng định năng lực và nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy.
Đổi mới vì học sinh là kim chỉ nam xuyên suốt trong việc dạy và học của thầy và trò. Chương trình GDPT 2018 cũng không nằm ngoài yêu cầu đó. Bà Võ Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân 2 (Như Xuân, Thanh Hóa) chia sẻ quan điểm này và cho rằng, trong mọi tình huống, giáo viên phải là người chủ động.
Chủ động tổ chức hoạt động dạy học, cùng các đồng nghiệp thảo luận, sinh hoạt chuyên môn với xuất phát từ điều kiện hiện có, khả năng của học sinh, từ đơn vị kiến thức, các thầy cô xây dựng kế hoạch bài dạy, làm những gì tốt nhất cho học sinh, tổ chức các hoạt động học. Đặc biệt cần chú ý, xuất phát điểm của học trò, mục tiêu từng hoạt động, các em tham gia được đến đâu, kết quả cuối cùng của hoạt động là gì.