Nhận định thị trường chứng khoán: Có giữ được vùng hỗ trợ mạnh?
SSi nhận định vùng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số VNIndex hiện đang nằm tại vùng 1.435 – 1.425 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh đã hình thành từ tháng 07/2021 đến nay.
Tiệm cận vùng hỗ trợ gần nhất
SSI Research cho rằng tâm lý nhà đầu tư khá yếu khiến thị trường có thêm một phiên mất điểm trên diện rộng. Chỉ số VNIndex đóng cửa tại 1.455,25 điểm, giảm 26,75 điểm (-1,8%). Nhà đầu tư thận trọng khiến thanh khoản chỉ đạt 20,1 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE.
Nhóm chịu áp lực giảm mạnh hơn vẫn là nhóm trung bình thấp khi chỉ số VNMidcap và chỉ số VNSmallcap giảm đến 2,6% và 3,02%. Sự suy yếu ở 2 chỉ số này phần lớn do lực bán giá thấp tương đối lớn ở nhóm Bất động sản và nhóm Chứng khoán.
Nhóm Bất động sản và nhóm Xây dựng & VLXD chịu sức ép lớn nhất do lo ngại rủi ro pháp lý và hoạt động quản trị rủi ro của các Công ty chứng khoán. Diễn biến tương tự ở nhóm Dầu khí, PVD và PVS đóng cửa với mức giá sàn dù giá dầu Brent đang tăng trở lại. Ngược lại, nhóm Phân bón lại có phần tích cực hơn với mức tăng 2,2% của DPM và 2,8% của BFC.
Nhóm Ngân hàng cũng hầu hết giao dịch trong sắc đỏ. VPB là mã ngân hàng duy nhất trong rổ VN30 tăng điểm cùng với MWG, FPT, MSN nâng đỡ chỉ số VN30 và giúp chỉ số này chỉ giảm 1,12%. Sắc xanh hiếm hoi được ghi nhận ở một số cổ phiếu Dệt may và Thủy sản như TNG, GIL, STK, MPC, ANV… đặc biệt IDI, CMX tăng trần và cổ phiếu đầu ngành là VHC cũng tăng rất mạnh 6,9%.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp, GT bán ròng ghi nhận -270 tỷ đồng trên HOSE.
Vùng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số VNIndex hiện đang nằm tại vùng 1.435 – 1.425 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh đã hình thành từ tháng 07/2021 đến nay. Vì vậy, chỉ số VNIndex nhiều khả năng sẽ tạo đáy từ vùng hỗ trợ nói trên trước khi quay trở lại xu hướng tăng và hướng đến thử thách vùng đỉnh lịch sử 1.537 điểm.
Bất động sản bị bán mạnh
VN-Index đang trải qua những phiên giao dịch với tâm lý tiêu cực tăng cao từ nhà đầu tư. Xuyên suốt 3 phiên giao dịch vừa qua, xu hướng bán tháo diễn ra ở nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm Bất động sản, tác động tiêu cực đến toàn thị trường.
Phiên hôm nay tiếp tục chứng kiến nhóm Bất động sản nhiều mã giảm sàn và ghi nhận phiên giảm điểm mạnh thứ 3 liên tục của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay, VN-index đóng cửa tại 1.455 điểm, giảm sâu 26,7 điểm, tương ứng 1,8% so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Thanh khoản của 3 sàn lần lượt là HOSE: 21.282 tỷ đồng, HNX: 2.595 tỷ đồng, UPCOM: 1.328 tỷ đồng.
Tiếp tục là phiên giảm điểm mạnh khiến điểm số kỹ thuật của VN-Index suy giảm sâu. Hiện điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset đã rơi về mức -5, thể hiện trạng thái tiêu cực trong ngắn hạn. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, hệ số P/E của VN-Index là 16,9x.
VN-Index xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.490-1.500. Mốc hỗ trợ ngắn hạn trước mắt nằm ở vùng đáy cũ quanh mốc 1.440 điểm.
Có thể tiếp tục đà giảm
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) đánh giá thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.420 – 1.430 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp.
Đồng thời, VN-Index vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chúng tôi kỳ vọng VN-Index có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong những phiên tới, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang rơi vào vùng quá bán cho nên dòng tiền bắt đáy có thể sẽ được kích hoạt trong những phiên tới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ trung tính xuống giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 30 - 35% danh mục, đặc biệt các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên bán hết toàn bộ danh mục.
Tâm lý thị trường có phần tiêu cực
Chứng khoán Kỹ thương TCBS phân tích phiên giao dịch ngày 12/04 mở cửa với tâm lý tương đối tích cực, VN-Index tạo một khoảng trống tăng giá 7 điểm sau ATO. Đến thời điểm 11:30, áp lực chốt lời gia tăng khiến VN-Index giảm tới 21 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng nhập cuộc giúp chỉ số thu hẹp đà giảm. Bước sang phiên chiều, tâm lý thị trường có phần tiêu cực, áp lực bán dâng cao khiến VN-Index điều chỉnh đáng kể và trượt khỏi mốc 1,460 điểm vào cuối phiên. Trong bối cảnh đó, nhóm ngành Khoáng sản và Xây dựng ghi nhận nhiều mã giảm sâu, thậm chí chạm sàn, ví dụ như KSB, MSR, CTD, DPG.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/04, VN-Index đóng cửa tại 1,455.3 điểm, giảm 26.7 điểm (tương đương 1.8%).Thanh khoản thị trường đạt 680 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch xấp xỉ 21,282 tỷ. Thị trường nghiêng về số mã giảm với tỷ lệ mã tăng giá/mã giảm giá là 67/409. Nhóm Ngân hàng Bất động sản là tác nhân chính khiến VN-Index giảm điểm.Ngoài ra, những nhóm ngành khác có sự giảm giá đáng kể là Hóa chất, Tài nguyên Cơ bản, Dịch vụ tài chính. Những cổ phiếu đóng góp chủ yếu vào đà giảm của VN-Index là: VHM (-2.3, -2.8%), GVR (-1.9, -5.3%), BID (-1.8, -3.5%), HPG (-1.5, -2.8%), CTG (-1.3, -3.3%), ... Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 426 tỷ, tập trung chủ yếu ở VPB (82 tỷ), HPG (60 tỷ), VHM (59 tỷ), HCM (52 tỷ), PVD (49 tỷ). Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất ở E1VFVN30 (60 tỷ), NVL (59 tỷ), FUESSVFL (53 tỷ), FUEVFVND (38 tỷ), VIC (33 tỷ).Xét theo nhóm ngành, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất ở Hóa chất, Điện, nước & xăng dầu khí đốt, Công nghệ Thông tin và bán ròng mạnh nhất ở Ngân hàng, Tài nguyên Cơ bản, Bất động sản.
HNX-Index giảm 11.0 điểm (tương đương 2.5%). Thanh khoản sàn HNX đạt 96 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch xấp xỉ 2,595 tỷ. Độ rộng thị trường sàn HNX nghiêng về số cổ phiếu giảm giá với tỷ lệ mã tăng giá/mã giảm giá là 48/260.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.