Triển lãm thuyết minh tự động về chủ quyền biển, đảo trên cực Bắc Tổ quốc
Triển lãm “Cực Bắc Hà Giang và biển đảo Việt Nam”, “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” dùng mã QR thuyết minh tự động trưng bày các hiện vật liên quan đến đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo…
Từ ngày 13/4 đến hết ngày 14/4, tại sân vận động huyện Mèo Vạc và tiền sảnh UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang diễn ra Triển lãm ảnh theo các chủ đề “Cực bắc Hà Giang và Biển đảo Việt Nam”, “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”.
Sự kiện do Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương và các đơn vị tổ chức.
Đây là hoạt động thiết thực Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Mèo Vạc lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, đồng thời thể hiện tinh thần, mục tiêu, khát vọng của Thanh thiếu nhi toàn huyện Mèo Vạc hướng về quê hương, biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
Từ đó nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào, bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ hội cho các em thiếu nhi có cơ hội được giao lưu, hiểu hơn về quê hương, đất nước Việt Nam thông qua các hoạt động ý nghĩa tại buổi triển lãm. Đây cũng là cơ hội để thiếu nhi bày tỏ những cảm xúc những tình cảm tốt đẹp của mình tới ngày hội lớn của Đoàn thanh niên huyện nhà.
Triển lãm ảnh được tổ chức thiết thực, hiệu quả cùng công tác tuyên truyền triển khai rộng rãi tới thanh, thiếu nhi trong toàn huyện, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Triển lãm “Cực Bắc Hà Giang và biển đảo Việt Nam” trưng bày 43 bức ảnh về Trường Sa và Nhà giàn DK1, 33 lá cờ Tổ quốc từ 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa; các hiện vật liên quan đến đời sống cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo.
Còn với triển lãm “Khát vọng cống hiến - lẽ sống thanh niên” trưng bày 50 pa-nô ảnh chia thành 3 phần: Những mốc son lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua các thời kỳ Đại hội; Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017-2022.
Điểm nhấn của sự kiện lần này đó là sự xuất hiện của 43 bức ảnh đặc sắc về quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; 33 lá cờ Tổ quốc từ 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa; các hiện vật liên quan đến đời sống cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo. Đặc biệt, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ số được phổ biến trong thuyết minh triển lãm tại vùng cực Bắc.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương cho biết đây là lần đầu tiên anh ứng dụng thuyết minh điện tử tự động cho các tác phẩm trưng bày. Mỗi bức ảnh được gắn một mã QRcode, mã này chứa đựng thông tin thuyết minh về bức ảnh, những câu chuyện liên quan.
Người xem có thể dùng thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động, quét mã QRcode gắn trên bức ảnh. Thông tin sẽ hiện ra dưới dạng chữ để đọc hoặc dạng audio để nghe. Đây là hình thức rất mới, mở ra việc thông tin tuyên truyền được phong phú hơn, tăng tính trải nghiệm cho người xem, và để lại nhiều dấu ấn hơn về tác phẩm.
"Trước đây, mỗi khi đi xem một triển lãm, người tham quan thường cần tới một người thuyết minh, giới thiệu cho mình nghe từng bức ảnh. Và thường người tham quan sẽ phải nghe lần lượt từ đầu cho đến cuối. Vậy nếu có một bức ảnh nào đó mà người tham quan không thích thì sao? Chắc vẫn phải nghe thôi. Hay khi người thuyết minh nghỉ, người tham quan sẽ phải lặng lẽ chờ hoặc tự cảm nhận theo cách của riêng mình. Với công nghệ thuyết minh điện tử tự động mà CLB ứng dụng triển lãm ảnh, người tham quan có thể xem triển lãm vào bất cứ lúc nào mà không cần tới người thuyết minh. Hay có thể chủ động lựa chọn bất kỳ bức ảnh nào mình thích mà không phải chờ đợi", kỹ sư Trần Vũ Thành nhấn mạnh.