Gieo nhân nào gặt quả ấy

TRẦN HỮU THĂNG 19/04/2022 07:16

“Gieo và gặt” là hai từ rất phổ thông, giản dị, dễ hiểu. Vì thế ở thành thị hay nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mọi người đều dùng, đều hiểu. Ấy thế mà “gieo và gặt” khi đưa vào chương trình giáo dục “Triết học phổ thông”, “Triết học ứng dụng” lại hết sức phong phú, sâu rộng, phức tạp và hoàn toàn không dễ hiểu, không dễ cắt nghĩa, không dễ giải thích.

Tranh: ST.

Sau đây là những thí dụ dễ hiểu và không dễ hiểu về “gieo và gặt”:

Những thí dụ dễ hiểu, dễ cắt nghĩa, dễ áp dụng vì nó thuận với Pháp luật và Đạo đức, đó là: Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Gieo hiền lành thì gặt được đức hạnh. Gieo thành thật thì gặt được lòng tin. Gieo chăm chỉ thì gặt được thành công. Gieo cân nhắc thì gặt được sự hòa thuận. Gieo lòng tốt thì gặt được sự thân thiện.

“Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”.

Những thí dụ không mấy dễ hiểu, phải động não nhiều, phải có kinh nghiệm sống mới hiểu được phần nào, đó là: Gieo gió thì gặt bão. Gieo ích kỷ thì gặt được sự cô đơn. Gieo dối trá thì gặt được sự ngờ vực. Gieo tham lam thì gặt được sự tổn hại. Gieo cay đắng thì gặt được sự cô lập. Gieo đố kỵ thì gặt được sự phiền muộn. Gieo kiêu căng thì gặt được sự hủy diệt. Những thí dụ thuộc loại này thường không thuận, mang lại sự tiêu cực.

Chỉ mới kể sơ sơ như thế đã thấy “gieo và gặt” là một chân trời cao rộng, đầy lý thú, đầy tò mò để khám phá, để hiểu biết, để tận hưởng.

Nhà triết học đương đại, ông Dick Lyles, đã cho ta một công thức về “gieo và gặt” rất ngắn gọn về ngôn từ nhưng lại rất phong phú, rộng lớn để cắt nghĩa, để hiểu hết, để áp dụng. Công thức đó là: “Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”.

Có thể viết lại công thức của Dick Lyles một cách ngắn gọn là:

Số phận con người = Hành vi + Thói quen + Tính cách.

Theo nhiều nhà phân tích và bình luận thì nhận xét của Dick là duy vật, là khoa học, là biện chứng. Nó đúng hoàn toàn với thực tế cuộc sống. Nó đúng hoàn toàn với nhiều công trình nghiên cứu thực tế dựa trên hàng trăm đối tượng là sinh viên, học sinh, doanh nhân, trí thức, các tầng lớp lao động phổ thông.

Chính Dick đã đánh đổ thuyết “Định mệnh”, thuyết “Mệnh trời”, thuyết “Số phận đã được định đoạt”, vì cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, con người đã bước vào thế kỷ XXI với tất cả trí tuệ và sức lực của một sức sống mới đã bỏ xa các thuyết thần bí, lạc hậu, kìm hãm.

Tìm hiểu dần dần, về công thức quý báu, để đời của Dick Lyles để hiểu được tính khái quát, tính phổ cập, tính xã hội rộng rãi trong tư tưởng triết học của ông.

Vế thứ nhất: Gieo hành vi gặt thói quen. Đây là khâu mấu chốt nhất, cơ bản nhất mà trong việc dạy làm người, học làm người từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây, ai muốn thành công phải bắt buộc tuân theo. Đông phương Cổ học Tinh hoa đã khẳng định: “Con người ta lúc mới sinh ra đời, ai cũng có bản tính lương thiện” (Nhân chi sơ, tính bản thiện).

Triết học Tây phương cũng khẳng định: “Con người ta lúc mới sinh ra đời, trong sạch như một tờ giấy trắng tinh khôi”. Vì thế, trong 6 năm đầu đời, khi dạy con biết lẫy, biết bò, biết đi, biết chạy, biết bi bô, biết nói đều phải hết sức thận trọng. Phải luôn tập cho em bé các động tác để phát triển cơ thể tốt, biết vui vẻ, tươi cười, thân mến, âu yếm với cha mẹ, anh chị em. Bắt đầu biết nói, biết nghe phải dạy phải trái, thương mến, giúp đỡ những người xung quanh.

Cứ thế, ngày một, ngày hai, cô bé, cậu bé đi học mẫu giáo, được học tập, rèn luyện bởi cô giáo, thầy giáo mà có các hành vi tốt đẹp để sau này trở thành những thói quen tốt đi theo suốt cả một đời người. Mọi hành vi, cử chỉ của người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến các em trong giai đoạn này. Ta tập cho các em không ích kỷ, không tham ăn, biết chia sẻ, biết cho bạn, nhường nhịn bạn, biết hiếu thảo ở lứa tuổi này là cực kỳ quan trọng.

Sang đến tuổi học sinh cấp 1, cấp 2, rồi hết bậc phổ thông, vào đại học hay các trường dạy nghề, nhà trường, xã hội, gia đình vẫn phải tiếp tục bồi dưỡng, tập luyện cho các em các hành vi tốt, dần dần thành bản năng thứ hai của con người. Đúng như một triết gia cổ đại người Đức đã dạy: “Thói quen là bản năng thứ hai”. Cái bản năng thứ hai ta huấn luyện, ta giáo dục, ta bồi dưỡng cho các thanh thiếu niên chắc chắn sẽ tốt đẹp, ưu tú, văn minh hơn cái bản năng thứ nhất vốn có của nguồn gốc động vật thuần túy là đói ăn, khát uống, tranh giành ích kỷ, tham lam.

Đến tuổi dậy thì, tùy theo từng vùng miền, từng dân tộc, trong khoảng từ 14 đến 18 tuổi, con người có giáo dục nhờ cả một quá trình dài từ lúc biết đi, biết chạy đã khác hẳn với những đứa trẻ sống hoang sơ, ít được giáo dục, ít được rèn luyện.

Vế thứ hai: Gieo thói quen gặt tính cách. Giai đoạn này ứng với thời kỳ học rồi tốt nghiệp đại học, trường dạy nghề và bắt đầu đi làm kiếm sống. Lúc này, xuất hiện những thanh niên học giỏi và chăm chỉ học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Các em mới ở độ tuổi 18 - 20 nhưng đã có tính cách, tác phong chững chạc, đàng hoàng, tự giác học tập, tự nguyện nghiên cứu, tự nguyện tham gia các phong trào xã hội, bước đầu hướng tới khởi nghiệp, bước đầu biết tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng.

Các em không biết nói dối và căm ghét sự dối trá lừa lọc. Các em biết xót thương những người yếu thế, nghèo khổ, mẹ góa con côi. Các em sớm giác ngộ chân lý hy sinh vì người khác như trong lời bài hát nổi tiếng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai...”. Từ những lứa thanh niên ưu tú này, xã hội sẽ có những người lao động giỏi, những nhà nghiên cứu khoa học trung thực, những người lãnh đạo doanh nghiệp, công ty đầy tự tin, đầy bản lĩnh vượt qua sóng gió sau này. Đây là những vốn quý, những hạt lúa vàng mười của một vụ mùa bội thu nhờ sự gieo hạt, ươm mầm trong suốt 20 năm về trước.

Vế thứ ba: Gieo tính cách gặt số phận. Đến đây thì số phận con người đã rõ. Hóa ra ngày hôm nay đã được định đoạt từ 18 - 20 năm về trước, do chính con người đó, từ lúc còn là cô bé, cậu bé mới mở mắt chào đời, qua giai đoạn sơ sinh, bú mẹ, tập lẫy, tập bò, tập đi, tập chạy mà thành. Đây rõ ràng là một quá trình tập luyện, đầu tư có thật, đầy khó khăn gian khổ mà thành công, mà đạt được. Nhờ có quá trình “Học ăn, học nói, học gói, học mở” mà thành. Cái số phận hôm nay mà con người có được là nhờ việc gieo mầm từ cách đây 20 năm.

Cũng như trong bóng đá, muốn có cầu thủ quốc gia ngang tầm khu vực và thế giới người ta phải mở trường dạy đá bóng cho các em từ 6, 7, 8 tuổi. Sau đó các em phải thi đấu trong các đội U10, U15, U18, U21, U23 mới tìm được “hạt giống” siêu sao, siêu cầu thủ. Dĩ nhiên, cũng như số phận con người nói chung, các cầu thủ bóng đá cũng cần dựa vào tài năng và sự cố gắng của từng cá thể, nhưng con đường “gieo và gặt” bắt buộc phải tham dự các cuộc thi đấu từ các đội U10 trở lên. Rõ ràng muốn gặt hái được một đội bóng quốc gia hùng mạnh, người ta bắt buộc phải gieo mầm “thượng võ” của môn bóng đá từ các cậu bé 7 - 8 tuổi trong các trường huấn luyện thể dục thể thao ở tỉnh hoặc ở Trung ương.

Khép lại bài viết về “gieo và gặt” nên số phận con người theo công thức của Dick cần chú ý những nội dung chủ yếu sau đây:

Quá trình từ hành vi dẫn đến thói quen, từ thói quen dẫn đến tính cách, từ tính cách dẫn đến số phận là một quá trình bền bỉ, lâu dài, liên tục cho đến hơi thở cuối cùng. Không thể chia thành giai đoạn nào, thời gian nào là thích hợp, mà luôn đan xen, bổ sung và tăng trưởng theo hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.

Để hình thành nên số phận một con người là thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh, vui hay buồn... là do chính cá thể con người đó quyết định chứ không phải do tại số mệnh đã an bài. Đúng như nhận xét sâu sắc của đại văn hào người Pháp, ông Anatole France (1844 - 1924) đã viết: “Cái giá trị lớn nhất của loài người chính là giá trị của từng cá thể mỗi con người”.

“Con người”, hai từ thiêng liêng và cao quý biết bao! Các chính sách lớn của một quốc gia, một dân tộc đều phải dựa vào yếu tố con người, tức là: Của con người, do con người và vì con người mới hy vọng đứng vững và phát triển được.

Triết gia Maurice Barrès (1862 - 1923) đã nêu nhận xét tổng quát về vai trò gieo (hoạt động) và gặt (hạnh phúc) mà từng con người phải lao động, phải suy nghĩ mới có được. Ông viết: “Ở mỗi một con người có mỗi thứ hoạt động riêng, mà nhờ hoạt động đó họ có ích cho xã hội, đồng thời cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc cho chính họ”.

Có thể viết thành công thức: Con người = Hoạt động (gieo) + Hạnh phúc (gặt).

Nhờ Maurice Barrès mà chúng ta yên tâm học hành, lao động, tư duy để tìm kiếm cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống, không do một đấng siêu hình nào ban cho, mà chính là quy luật “Tay làm hàm nhai” rất cụ thể, rất thực tế.

Kết thúc bài viết, không gì hơn là nhắc lại lời dạy rất quý báu của triết gia người Bỉ, ông Macterlinck (1862 - 1949): “Chúng ta chính là những thiên thần mà ta không tự biết”!

TRẦN HỮU THĂNG