Lênh đênh sông nước Cà Mau

NGUYỄN TRỌNG VĂN 27/04/2022 05:58

Đó là một chuyến đi tôi không thể nào quên. Một chuyến lênh đênh trên sông nước Cà Mau để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ về đất và người Cà Mau. Vùng đất cuối cùng của dải đất hình chữ S, nơi những con người của xứ tràm xứ đước đậm đà, chân chất và cũng vô cùng kiên trung.

Mũi Cà Mau.

Năm ấy chúng tôi có chuyến công tác xuyên Việt. Điểm đến là thành phố Cà Mau. Còn nhớ khi dừng xe ở cột cây số “Cà Mau 0km” ngay chân cầu Cà Mau lòng chúng tôi chợt dấy lên niềm xôn xao khó tả. Nhận thấy cột cây số “đặc biệt” này bị thời gian cùng mưa nắng làm mờ đi những dòng chữ, anh bạn đồng hành tên là Đoàn Khắc chợt nảy ra ý định đi tìm mua sơn đỏ sơn trắng để tô lại để cột cây số sáng láng lên.

Thế là chúng tôi hì hụi sơn sơn một cách vừa thể hiện tình cảm của mình, đồng thời cũng tự coi đấy là trách nhiệm. Trời phương nam đang dần vào tối, chúng tôi vẫn cặm cụi làm việc. Bất ngờ có tiếng xe máy dừng đỗ ngay bên cạnh. Hơi ngước mắt nhìn, tôi nhận ra đó là một cô gái trẻ. Cô gái cười tươi và cất giọng hỏi: “Mấy chú chưa nghỉ à? Trời sắp tối rồi”. Mỉm cười đáp lời thăm hỏi của cô gái. Rất nhanh chóng cô lại hỏi “Mấy chú từ Hà Nội vô?”. Thì ra giọng bắc của chúng tôi đã vô tình giới thiệu về mình.

Cô gái tên Lan, cô giới thiệu mình làm du lịch ở Cà Mau. Sau hồi trò chuyện vui vẻ, cô gái trẻ gợi ý:“Mấy chú đã vô tới đây thì nên đến đất mũi. Tới đó mới thực sự vô tới điểm tận cùng đất nước”.

Quả là một gợi ý không gì tuyệt vời hơn. Cô gái trẻ nhiệt tình: “Mấy chú đi đất mũi bằng xuồng máy nhé. Ngồi xuồng máy vừa ngắm song nước Cà Mau lại vừa cảm nhận được nhiều thú vị. Cháu tình nguyện làm người dẫn đường miễn phí cho mấy chú”. Tuyệt, chúng tôi đồng ý tắp lự và nhờ cô lo thuê xuồng máy.

Thế là sáng hôm sau, từ rất sớm, Lan đã tới cửa phòng khách sạn nơi chúng tôi tá túc đêm qua. Đi cùng cô còn có một phụ nữ tầm ngoài bốn mươi. Lan giới thiệu: “Dì cháu đó. Bữa nay hai dì cháu sẽ đi cùng. Thêm người thêm chuyện mà mấy chú”.

Con xuồng máy “vội vàng” rời bến. Từ hai bên mạn xuồng nước rẽ ra tựa như đôi cánh chim xoải cánh bay vụt đi. Những phút đầu tiên quả là cũng hơi “ngài ngại” nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng quen ngay được với cảm giác bay bay trên mặt nước. Chặng đường 100km đường thủy quả là một “thử thách” không hề nhẹ.

Chiếc ca nô sau khi tách khỏi sự ồn ào sông nước của thành phố Cà Mau thì “luồn lách”, khi thì là một đoạn sông rộng mênh mông, lúc lại là những con lạch nhỏ đến nỗi quờ tay là chạm được vào những chùm lá đước. Tôi nhoài đầu qua thành ca nô để “chiêm ngưỡng” những cây đước và mường tượng ra đó là những bàn tay năm ngón chụm lại cắm chặt xuống bùn. Cuộc khai rừng lấn biển của cha ông ta mấy trăm năm trước hình như được tái hiện trong hình dáng của những cây đước khỏe khoắn. Những bàn tay cha ông cắm chặt xuống bùn, cạp từng thớ đất để vươn ra biển. Nét độc đáo của những cây đước thực sự như một bài ca về lòng khát khao chinh phục thiên nhiên, chinh phục biển cả.

Sau gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi đã tới xóm Mũi, cô Lan cho hay: “Xóm Mũi còn có tên gọi dân dã là Mũi Bãi Bùng. Gọi như vậy bởi trước kia xóm Mũi là một bãi sình lầy bập bùng. Cuộc khai phá đã biến mũi đất tưởng chừng hoang bỏ ấy trở nên sung túc”. Quả tình khi leo lên chòi ngắm biển chúng tôi mới thấy hết sự bạt ngàn của màu xanh. Sức sống tự nhiên mãnh liệt cộng với công việc trồng rừng ngăn nước biển làm sạt lở đã tạo nên những dải rừng đước xanh rì vươn cao bạt ngàn. Lan tự hào cho biết thêm “Mũi Cà Mau nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng ngập ngọt cùng hệ động vật, thực vật đặc trưng, tạo tiềm năng sinh thái tự nhiên rất đa dạng, phong phú”. Tôi ngẩng đầu nhìn bao quát và chợt dấy lên suy nghĩ “Đây là một vùng đất thực sự thiêng liêng mà ai cũng sẽ muốn được đến một lần trong cuộc đời”.

Trong rừng tràm.

Bâng khuâng đứng ở “Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” chúng tôi không bày tỏ được hết niềm tự hào và niềm phấn khởi. Bên trái “mũi thuyền Cà Mau là Biển Đông ồn ào sóng vỗ, bên phải là biển tây tấp nập thuyền đánh cá. Nhìn khung cảnh ấy ai mà không lâng lâng cho được. Anh bạn đồng hành tên Đoàn Khắc nhanh nhảu cúi xuống vốc lên nắm đất. Rồi rất cẩn thận anh kéo vạt áo lên để bọc miếng đất. Đoàn Khắc bảo đem về Hà Nội làm kỷ niệm. Tôi vội làm theo và tự nhủ “nắm đất Tổ quốc nơi tận cùng đất nước”.

Bữa trưa cùng ăn vui vẻ ngay tại nhà hàng Đất Mũi thật ấm cúng. Người dì của Lan tên Liên, làm nghề kinh doanh tự do. Hôm nay cô Liên đóng cửa hàng để “cùng mấy anh Hà Nội đi thăm Xóm Mũi”. Câu chuyện của cô Liên trong bữa ăn hóa ra chẳng liên quan gì đến kinh doanh bán buôn. Cô Liên hào hứng kể về đất và người “quê em” như cô thường nói thế mỗi khi vào chuyện nào đó. Cô Liên nói rằng người Cà Mau vô cùng yêu kính Bác Hồ.

Quả đúng như vậy. Trên đường quay về thành phố Cà Mau. Xuồng máy chợt táp vô bờ phải, cậu Ba lái xuồng tắt máy xong thì thông báo “Mời mọi người lên bờ vào thăm đền thờ Bác. Bấy giờ chúng tôi mới nhận ra ngay trước mắt, tức là cách chỗ xuồng neo đậu không xa là cái dáng cao như vút lên của một ngôi đền thờ. Cô Lan nói “Đền thờ Bác Hồ ở thị trấn Năm Căn này đẹp lắm mấy chú ạ”. Tôi vội hỏi: “Đền mới xây dựng?”. “Dạ không” – Cô Liên cho hay – “Đền này xây dựng đã lâu. Ở khắp tỉnh Cà Mau này đền thờ Bác Hồ có nhiều lắm”. Không khí câu chuyện bỗng trở nên trang nghiêm, chúng tôi được biết ngay từ khi được tin Bác Hồ mất người dân Cà Mau đã bảo nhau dựng lên những ngôi đền thờ Bác để tỏ lòng tiếc thương vị Cha già dân tộc.

Bữa trước cậu Tiến Bình, đồng nghiệp ở Đài PT-TH Cà Mau, cũng đưa chúng tôi tới một ngôi đền thờ Bác ở xã Khánh An, huyện U Minh (thuộc U Minh hạ). Đó là một đền thờ Bác được dựng từ những buổi đầu tiên. Một ngôi đền giản dị với ban thờ chính diện. Trên ban thờ có ảnh Bác. Hai bên tường là những bức ảnh tóm tắt cuộc đời của Người. Chính giữa gian nhà là mô hình nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch.

Cậu Tiến Bình giới thiệu thêm: “Toàn tỉnh Cà Mau có 20 ngôi đền thờ, phủ thờ Bác. Ngay trong năm 1969 đã có 8 ngôi miếu thờ Bác được hình thành giữa lòng địch. Những ngôi miếu thờ đó sau này được bà con tiếp tục duy trì và chỉnh trang nâng cấp cho chắc chắn. Hiện toàn bộ các ngôi miếu thờ được gọi là Đền thờ Bác, có ảnh Bác và đều được xây bằng gạch lợp ngói rất trang nghiêm”...

Con xuồng máy “vội vàng” rời bến. Từ hai bên mạn xuồng nước rẽ ra tựa như đôi cánh chim xoải cánh bay vụt đi. Những phút đầu tiên quả là cũng hơi “ngài ngại” nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng quen ngay được với cảm giác bay bay trên mặt nước. Chặng đường 100km đường thủy quả là một “thử thách” không hề nhẹ. Chiếc ca nô sau khi tách khỏi sự ồn ào sông nước của thành phố Cà Mau thì “luồn lách”, khi thì là một đoạn sông rộng mênh mông, lúc lại là những con lạch nhỏ đến nỗi quờ tay là chạm được vào những chùm lá đước. Tôi nhoài đầu qua thành ca nô để “chiêm ngưỡng” những cây đước và mường tượng ra đó là những bàn tay năm ngón chụm lại cắm chặt xuống bùn. Cuộc khai rừng lấn biển của cha ông ta mấy trăm năm trước hình như được tái hiện trong hình dáng của những cây đước khỏe khoắn.

NGUYỄN TRỌNG VĂN