Thương nhớ đình Chèm
Ngôi đình cổ làng Chèm phía bắc kinh thành Thăng Long. Nơi đứng ở cửa đình có thể nhìn thấy ba ngọn của dãy Tam Đảo mờ sương, ngôi đình duy nhất xứ ta ngoảnh về hướng Bắc với sự cẩn trọng và tỉnh thức giờ không chỉ là niềm tự hào của người làng Chèm mà còn là niềm kiêu hãnh của người Hà Nội. Danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể”, rồi “Di tích quốc gia đặc biệt” (2017) được Nhà nước trao tặng chính là vậy.
Làng Chèm một trong những làng cổ của Đại Việt. Nếu gọi đúng chuẩn theo tiếng nguồn gốc của thứ tiếng Việt xa xưa đó thì làng là T’Lèm, chuyển dịch ra tên chữ là “Từ Liêm”. Phải chăng điều này khẳng định, làng Chèm là trung tâm vùng Từ Liêm xưa của kinh thành Thăng Long. Không phải ngẫu nhiên cho đến bây giờ khi đã tách đôi huyện Từ Liêm xưa để thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm thì quận Bắc Từ Liêm vẫn chọn hàng nghi môn ngoại tức tứ trụ trước Đình Chèm ngạo nghễ, sừng sững trước sông Hồng - sông Cái của Đại Việt ta làm biểu tượng cho quận.
Làng Chèm tôi địa liền với hàng loạt làng cũng đều có những tên nôm một chữ mộc mạc, quê kiểng. Xuôi về phía kinh thành là Vẽ, Xù, Gạ…Những làng cạnh hướng đoài, hướng đông làng là Noi, Cáo, Giàn, Trôi, Nhổn, Canh, Đăm… Sau này chữ nghĩa tràn vào, tên tự áp vào các tên nôm nên Chèm tôi mang thêm danh Thụy Hương rồi Thụy Phương, Vẽ có tên Đông Ngạc, Noi mỹ tự thành Cổ Nhuế, Xù, Gạ gánh thêm chữ Phú Thượng, Phú Gia; Cáo, Xuân Đỉnh, Xuân La…
Làng Chèm có lẽ là một trong những làng cổ của Đại Việt được thiên nhiên vô tình ưu đãi nếu theo lẽ “nhất cận thị, nhị cận giang” khi phía trước mặt là dòng sông Cái mang tên chữ là Hồng Hà bởi màu phù sa pha đậm trong dòng nước sau hàng nghìn năm làm nên châu thổ đồng bằng Bắc bộ bờ xôi ruộng mật. Nách làng là nơi khởi đầu của dòng Nhuệ Giang mà dân làng tôi quen gọi tên nôm là con sông Đào, để ghi nhận người Pháp từng khai thông con sông này nối với sông Hồng, rồi xây cả một trạm thủy nông, mà người thiết kế công trình này khi tôi vào tuổi thanh niên thì nghe các cụ trong làng kể đó là một bà đầm đẹp như búp bê, tóc vàng, mắt xanh.
Có lần theo anh em nghề thủy lợi rong ruổi vào các tỉnh phía nam mới hay sông Đào làng tôi được người Pháp đào cùng thời với kênh Tẻ, kênh Đôi ở Sài Gòn để cân đối mực nước bán thủy triều giữ bình an cho Sài Gòn, cũng như sông Đào (Nhuệ Giang) được khơi thông cùng với công trình thủy nông đầu làng tôi để phân lưu mực nước sông Cái mùa nước cường. Vậy mà đến thời ta dòng Nhuệ Giang từng nổi tiếng trong ca khúc của nhạc sĩ Lân Tuất “vui vui bên dòng sông xanh…” cũng như kênh Tẻ, kênh Đôi từng bị bức tử vì nước thải, rác vứt. Rất may đôi kênh nơi Sài Gòn đã được cứu sống cho dòng nước trong xanh trở lại, còn con sông Đào làng tôi thì giờ vẫn sặc mùi xú uế, đặc sịt bùn bởi sự tàn nhẫn vô cảm ăn xổi ở thì. Nương dâu chết, làng nghề, lụa, the một thời mai một.
Mỗi lần về quê, chợt buồn vì dòng sông Đào một thời cùng với sông Hồng tắm mát tuổi thơ tôi đang mất dần, chết nghẹn cùng ao Sen, ao Đình từng mênh mông nhìn đầu ao không thấy cuối ao giờ bị xâm lấn, khuôn lại trong một dự án xây tường quanh ao.
Cũng rất may, giữa nhiều sự thay đổi thì làng tôi vẫn còn lại một mái đình mang tên đình Chèm. Có lẽ ngôi đình uy nghi của làng tôi mặc những thăng trầm, biến đổi của thời thế, can qua và cả lòng người vẫn uy nghi, tự tại và an nhiên trải qua hàng nghìn năm ngự trị bên dòng sông Cái và trong tấm lòng mỗi người dân Chèm, của dân kinh thành Thăng Long.
Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, làng Chèm nằm giữa bến phà, trạm tên lửa, nhà máy bê tông đúc sẵn, trạm thủy nông dân làng tôi gọi nôm là cầu song - toàn vị trí đắc địa cho sự bom thả mà làng, đình vẫn an vị. Kể cả chuỗi bom 28 quả rơi giữa làng mà không nổ, sau chiến tranh công binh mới đến đào mang đi. Một chiếc máy bay Mỹ đến thả bom phà Chèm, vướng giây điện vượt sông đâm sầm xuống bãi giữa sông Hồng bốc cháy. Dân làng tôi bảo “sự an nhiên của làng là do Đức Thành Hoàng phù trợ”.
Tôi không rõ làng Chèm bao nhiêu tuổi, nhưng ngôi đình làng thì chí ít cũng được các cụ bô lão trong làng, rồi sau này các nhà chuyên môn sành sỏi khẳng định đã xấp xỉ thiên niên kỉ. Chiếc lư hương cổ dư nghìn tuổi vẫn ngày ngày tỏa hương đang tọa lạc nơi linh thiêng là một minh chứng. Đức Thành Hoàng là ngài Thượng Đằng Thiên Vương Lý Ông Trọng một quý nhân của làng Chèm, người đã tát cạn khúc sông cái chảy qua trước ngực làng để bắt sống con giải về làm cỗ tế mẹ. Trong sự nghiệp, cũng là người làng Chèm đó mà công trạng của ngài còn ghi rõ trên câu đối treo trong đình “Văn giỏi, võ tài, phò tá ba vua”.
Công trạng rành rành Đức Thành Hoàng làng là người có công giúp vua An Dương Vương đuổi giặc Ai Lao, Chiêm Thành để giữ yên kinh thành. Ngài cũng lập công lớn khi phò vua ta đánh thắng giặc Tần với tướng Đồ Thư hống hách. Với tư cách là nhà ngoại giao đầu tiên của Đại Việt, Đức Thành Hoàng làng tôi cũng là người Việt duy nhất được người Trung Hoa thờ phụng, ghi nhớ công đức vì từng được vua Tần phong văn là Hiếu Liêm (tiến sĩ) võ là Hiệu úy (Tổng chỉ huy) vì giúp vua Tần đuổi giặc Hung nô, làm nên sự hòa hiếu với nước làng giềng.
Ngôi đình thiêng liêng đó nơi có nhà tả, hữu mạc một thời từng được lấy làm lớp học khi tôi học lớp ba. Cũng trong thời thơ dại đó, sau mỗi lần tắm sông, chúng tôi lại thẩn thơ vui chơi nơi tàu tượng để đón gió sông Cái giữa những ngày nắng hạ. Rồi những đêm đi xem phim bãi về, trèo lên cây vải ở sân đình vặt những trái vải tu hú chua đinh răng…
Ngôi đình làng tôi tháng giêng, tháng hai dân được thắp nén hương vào hai ngày kị Đức ông, đức bà, để rằm tháng năm ta đúng mùa nước cường, dân ba làng Chèm, Hoàng, Mạc được từng bừng mở hội. Bô lão và trai tráng ba làng được bơi thuyền chở bô lão cũng trai tráng làng ra giữa dòng sông Cái lấy nước về làm lễ Mộc Dục (tắm cho Thánh).
Những trai đinh ba làng lại được rước kiệu quanh làng trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng “Tù óe” (vân vũ) hùng tráng cùng tiếng nhạc lưu thủy, hành vân rộn ràng, đằm thắm. Những bóng chim câu trong ngày thi chim lại được tung bay trong ngày nắng trung hạ rực rỡ… Và với đám trẻ chúng tôi hồi ấy hội làng ngoài những lễ long trọng, hoành tráng là bát cháo sườn thơm nức, miếng giò Chèm lộc thánh ngon, nức tiếng kinh thành trong câu tụng ca ẩm thực “giò Chèm, nem Vẽ”.
Năm tháng cứ trôi đi, ngôi đình mãi ở lại, vượt qua nhiều biến cố, thăng trầm. Năm 1917, năm vỡ đê sông Hồng nơi làng Liên Mạc. Dân làng Chèm đã lập nên kì tích có một không hai ở kinh thành Thăng Long trong việc bảo vệ an toàn cho ngôi đình dấu yêu. Dưới sự chủ trì của người thợ tài ba là ông Vương Văn Địch người làng Vân Trì dân làng Chèm đã dùng dụng cụ nghề nông của mình những chạc, đòn, đinh bừa để kiêu ngôi đình đồ sộ, nội công ngoại quốc rộng hàng mẫu lên cao hơn 2,4 mét so với vị trí cũ để tránh nước lũ.
Bây giờ mỗi bận ra đình, tôi lại đến chiêm ngưỡng ngấn nước sông ở tường đình khi đình còn dầm chân trong sóng nước. Đọc lại danh sách những người quyên góp làm lên kì tích này, tôi nhớ đến ông ngoại tôi với lòng tự hào khi đọc thấy tên “cụ chánh Nguyễn Văn Bính” đã cúng 300 nguyên, tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu cùng tổng đốc Hà Nội người Pháp cúng mỗi vị 1.000 nguyên.
Đình làng tôi uy danh là thế, tình yêu của dân làng cả là Chèm và dân anh hai, em ba là làng Mạc, làng Hoàng đối với làng thân kính, yêu trọng là thế, nên chẳng những tượng Đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng, và phu nhân của ngài là Hoàng Phi Bạch Tĩnh Cung, Tượng cụ Sứ, Cụ Quản đến chiếc lư hương nghìn năm tuổi, những câu đối, hoành phi đến từng đầu đao và ngay cả từng viên ngói, hòn đá cổ lót bậc nghi môn ngoại, nghi môn ngoại cũng luôn được dân ba làng và khách thập phương qúy trọng giữ gìn…
Nếu có gì cần tu bổ, sang sửa, xin hãy trước hết lấy chữ tâm trong lòng mình để chạm vào những báu vật ấy, bởi từng tấc đất, lá cây đến viên ngói, phiến gỗ đình Chèm đều là những thành phần của đình Chèm – công trình không chỉ là di sản quốc gia đặc biệt mà còn là nơi hội tụ của tình yêu con người, làng quê, non nước.
Hà Nội ngày 4/4/2022