Nhà phê bình Bùi Việt Thắng: Cứ ước vọng, còn hơn là không

Minh Hải (thực hiện) 01/05/2022 07:16

"Giải thưởng Nobel văn chương là một nỗi niềm. Chúng ta cứ ước vọng, còn hơn là không mơ ước. Còn từ mơ ước tới hiện thực có thể thành công hay không là quãng đường dài nhất hành tinh mà có thể chúng ta có thể phải đi 100 năm nữa cũng không sao".

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng.

PV: Vừa qua, Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển gửi thư đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam đề cử một ứng viên tham dự xét giải Nobel Văn chương năm 2022. Trong góc nhìn của một nhà phê bình, ông sẽ giới thiệu tác giả nào?

Nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG: Tôi sẽ từ chối giới thiệu một nhà văn Việt Nam là ứng viên giải Nobel của năm 2022. Vì sao, vì việc này chúng ta phải hết sức thận trọng. Chúng ta không thể dùng phép thắng lợi tinh thần để ứng xử với nhân loại trong thời điểm hiện nay. Vì trên bản đồ văn học thế giới, chúng ta đang đứng ở một phân khúc rất thấp.

Văn học của chúng ta, về ước vọng giải Nobel, tôi xin dẫn ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Chỉ là văn học xóm xã, ao chuôm mà không là văn học của cả thiên hạ, cả loài người”. Nỗi niềm đau đáu của Nguyễn Minh Châu, năm 2021 đã vào đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn Quốc gia. Đề thi có 2 vế, họ có đề cập tới khát vọng của nhà văn Nam Cao về một Nobel văn chương thông qua tác phẩm “Đời thừa” xuất bản năm 1943. Có một nhà văn có tham vọng cao độ lúc nào cũng đau đáu viết một tác phẩm đoạt giải Nobel.

Người ta chắp ý đó với ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu để học sinh bình luận. Nghĩa là học sinh thông minh phải bình luận đó là khát vọng, cao vọng. Nhưng thực tế thì chúng ta đã đứng ở phân khúc thấp.

Vì vậy đây là mâu thuẫn. Và mâu thuẫn ấy chỉ có thể giải quyết được không phải bằng các chính sách văn hóa, không phải bằng thay đổi chế độ nhuận bút, cũng không phải bằng thay đổi văn hóa đọc, mà vấn đề chúng ta phải có tài năng. Nhưng tài năng không phải muốn là có được. Việc tính toán thận trọng người ứng cử phải thẳng thắn nhìn ra rằng: Văn chương của chúng ta viết về cái của chúng ta là được, nhưng vì Nobel thì cái của chúng ta phải để cho cả thế giới đọc thì lại không được. Nghĩa là tình trạng này giống ta tự khen ta thôi.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình văn chương Việt Nam trong 10 năm trở lại đây?

- Theo tôi, một là đang có sự khủng hoảng về lực lượng người viết, tức là có sự đứt gãy giữa các thế hệ người viết văn. Đối với lực lượng sáng tác văn học thì vấn đề thế hệ kế tục và phát triển rất quan trọng. Nhìn vào bản đồ văn học Việt Nam hiện nay.

Chúng ta thấy thế hệ nhà văn tiền chiến coi như cơ bản không còn. Thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của mình. Bây giờ sứ mệnh của văn chương đặt lên vai của thế hệ 7X, 8X, tương lai là 9X,10X. Thế hệ này có một ưu thế là được học hành, đào tạo một cách căn bản.

Thế hệ trẻ có thế mạnh được thời đại ưu ái, họ không bị mù lòa về thông tin, họ được sống trong thế giới phẳng, được internet và mạng xã hội chắp cánh cho vấn đề tiếp cận đời sống, nhưng đó là cách tiếp cận gián tiếp, thậm chí là hình thức ảo, không đi vào giữa cuộc sống mà thông qua mạng xã hội, qua internet. Đó cũng chính là nhược điểm của giới văn trẻ bây giờ.

Có ý kiến cho rằng, trong thực tế, dường như nhiều cây bút trẻ quay lưng với các thế hệ tiền bối, quay lưng với truyền thống?

- Đúng vậy. Ví dụ, một bộ phận không mặn mà với truyền thống dân tộc. Họ sẵn sàng đón đợi trào lưu hiện đại của nước ngoài. Họ sống theo tâm thế tự ngã, tức là hướng vào cái tôi, dần dần giữa cái tôi và cái ta - tính cộng đồng, dân tộc nhạt dần. Trong khi một tác phẩm văn học lớn lại đòi hỏi nhà văn phải đằm mình, sống giữa dòng thác lịch sử, sống cùng với nỗi đau của quần chúng nhân dân.

Sự đứt gãy giữa các thế hệ hiện nay là một ngăn trở, làm cho thế hệ trẻ bây giờ tuy số lượng rất đông đảo và Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có chiến lược ưu tiên văn trẻ, tôn vinh văn trẻ. Nhưng vừa tôn vinh đã diễn ra hiện tượng đạo văn của chính văn trẻ. Đó là hành xử rất thiếu văn hoá. Vậy văn trẻ phải làm gì để xã hội đặt niềm hy vọng vào họ.

Cho nên, hiện nay, riêng lĩnh vực văn hóa đang đứng trước những yếu tố có tính chất nguy cơ. Trong đó có văn học, hiện thực cuộc sống thì rất phong phú, rất hùng vĩ. Nhân dân cần lao rất đáng ca ngợi, những vấn đề của đời sống đầy rẫy ngổn ngang, trong khi văn trẻ chui vào “tháp ngà” của mình, không hòa mình với đời sống.

Vậy là chúng ta đang chờ một giải Nobel văn học?

- Giải thưởng Nobel văn chương là một nỗi niềm. Chúng ta cứ ước vọng, còn hơn là không mơ ước. Còn từ mơ ước tới hiện thực có thể thành công hay không là quãng đường dài nhất hành tinh mà có thể chúng ta có thể phải đi 100 năm nữa cũng không sao.

Chỗ này chúng ta không thể lạc quan tếu, cũng không thể bi quan được. Bởi vì một đất nước gần 100 triệu dân với truyền thống văn hóa 4.000 năm dựng nước và giữ nước tại sao lại tụt hâu? Vì sao, ở đây có vấn đề rất quan trọng là vì văn hóa của chúng ta đang tụt hậu.Văn hóa tụt hậu thì chúng ta thiếu hẳn một cái nền, chỗ để đứng.

Trân trọng cảm ơn ông!

VĂN CHƯƠNG VIỆT & GIẤC MƠ NOBEL

Không phải tới nay câu hỏi bao giờ giải Nobel văn chương gọi tên một tác giả Việt Nam mới được đặt ra. Từ lâu, đây đã là khát vọng, hoặc nằm trong suy nghĩ của nhiều người cầm bút, và là chủ đề thường được đem ra bàn luận ở nơi này, nơi khác. Cũng có những lúc cao hứng, có người mạnh mẽ bảo cuốn này, tác giả kia xứng đáng đề cử giải Nobel! Thế nhưng, tất cả chỉ là những ý kiến... nói cho vui.

Chỉ tới gần đây, câu chuyện văn chương Việt “lỡ hẹn” với giải Nobel danh giá mới chính thức được thảo luận. Bởi Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đã nhận được bức thư từ Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển với nội dung đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét giải Nobel Văn chương năm 2022. Tuy nhiên, bức thư đã đến muộn. Và Hội Nhà văn Việt Nam đã không kịp đề cử ứng viên nào.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Nhiều người bình tĩnh hơn. Trong số những người bình tĩnh này, có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người trực tiếp nhận được bức thư trên. “Tôi không tiếc nuối về chuyện vuột mất cơ hội đề cử lần này. Nếu nhận đúng ngày, đúng giờ, Hội chưa chắc chọn được đề cử xứng đáng để giới thiệu. Cần nhìn thẳng vào thực tế rằng nền văn chương Việt Nam, các tác phẩm, tác giả chưa hội tụ các yếu tố để đáp ứng với yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng, việc chọn lựa càng khó khăn. Điều quan trọng là phải ý thức được nền văn học đang ở đâu, mang tầm cỡ nào để củng cố, xây dựng, phát triển”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Chuyên đề Tinh hoa Việt kỳ này đã gặp gỡ, trò chuyện thêm với một số nhà văn, nhà phê bình văn học, để có cái nhìn đa chiều hơn về vị trí của văn chương Việt Nam.

Minh Hải (thực hiện)