Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì có nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất - Bài 3: Sống trong phập phồng lo sợ
Thay vì được động viên, khuyến khích lao động sản xuất ổn định cuộc sống, làm giàu cho quê hương, các hộ dân đi kinh tế mới lại phải sống trong lo lắng vì luôn bị đe dọa cưỡng chế thu hồi “đất lấn chiếm”.
Quy hoạch rừng phòng hộ thiếu thực tế?
Từ hơn 20 hộ dân chấp nhận bỏ phố lên rừng khai phá đất hoang, xây dựng kinh tế mới, đến nay đã có hàng trăm hộ dân đang cư trú và sản xuất nông nghiệp trên khu vực núi Voi. Phần lớn trong số đó là con, cháu của những hộ dân được di dời từ phường 1, TP Đà Lạt lên xây dựng kinh tế mới. Số còn lại là những người tới sau trong nhiều năm, rải rác từ những năm 80 tới những năm đầu của thập kỷ 90. Tới trước thời điểm UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch vào rừng phòng hộ (năm 1998, điều chỉnh năm 2000), khu vực núi Voi đã trở thành xóm dân cư khá đông đúc, không còn nhiều cây to để có thể thực hiện chức năng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, từ UBND huyện Đức Trọng cho tới các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng vẫn tham mưu cho UBND tỉnh này ra quyết định quy hoạch ranh giới rừng phòng hộ trùm lên khu dân cư núi Voi (?). Việc UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch rừng phòng hộ không đảm bảo theo yêu cầu quy định không những không có tác dụng chống xói mòn, sạt lở, mà còn gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Khu vực núi Voi đã tồn tại xóm dân cư sinh sống, lao động sản xuất từ vài chục năm qua với hàng trăm nóc nhà, vì sao các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng lại quy hoạch rừng phòng hộ trùm lên khu vực này? Lẽ nào khi tham mưu, phê duyệt quy hoạch rừng phòng hộ, các sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng không khảo sát thực tế?
Đi cũng dở, ở không xong
Trong mấy năm qua, người dân xóm núi Voi liên tục bị chính quyền xã Hiệp An và huyện Đức Trọng gây khó khăn trong việc sinh hoạt và lao động sản xuất với lý do “lấn chiếm đất rừng phòng hộ”. Một số hộ dân kinh tế mới tại xóm dân cư núi Voi đã sang nhượng lại nơi ở, đất sản xuất mà họ đã dày công gây dựng trong suốt mấy chục năm qua để về quê sinh sống.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc vì sao không xem xét nguồn gốc đất ở, đất sản xuất của các hộ dân đã hình thành từ bao giờ, do đâu để quyết định quy hoạch ranh giới rừng phòng hộ? lãnh đạo xã Hiệp An và huyện Đức Trọng nói chỉ tuân thủ pháp luật. Pháp luật ở đây chính là bản quy hoạch rừng phòng hộ của UBND tỉnh Lâm Đồng đã chồng lấn lên trên khu dân cư xóm núi Voi đã tồn tại trước đó hàng vài thập kỷ theo chủ trương của chính tỉnh này. Theo đó, chừng nào bản quy hoạch do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chưa được xem xét điều chỉnh, chừng đó các hộ dân kinh tế mới tại khu vực núi Voi vẫn sẽ tiếp tục khó khăn bởi không thể xây nhà dựng cửa, tăng gia sản xuất trên chính mảnh đất khai hoang của gia đình mình.