Vụ phá rừng tại huyện Quỳ Châu: Chủ rừng phải chịu trách nhiệm

Điền Bắc 14/04/2022 08:04

Thời gian qua, tại huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) liên tục xảy ra những vụ chặt phá rừng với diện tích hàng nghìn mét vuông. Hầu hết các vụ phá rừng đều nhằm mục đích lấy đất trồng keo. Trong đó có 21 cây lim trong diện bảo tồn bị “hạ” được cho là “tỉa” những cây bị chết do sâu bệnh.

Vụ phá hơn 7,8 nghìn mét vuông rừng sản xuất tại thung Túm Lụm đang được công an địa phương
khẩn trương điều tra, làm rõ.

Không vi phạm?

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu tại công văn số 64/BC-HKL, tính từ đầu năm 2022, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các xã, thị trấn phát hiện 27 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, 26 vụ xử lý hành chính (phá rừng trái pháp luật 21 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 2 vụ; vi phạm gây cháy rừng 1 vụ và 2 vụ vi phạm khác). Tổng số gỗ bị tịch thu hơn 6,3m3, xử phạt hơn 125 triệu đồng. Có 1 vụ bị xử lý hình sự, xảy ra tại bản Cướm, xã Diên Lãm về tội “hủy hoại rừng”. Những địa phương xảy ra các vụ chặt phá rừng gồm Chàng Piu (Châu Thuận), bản Nông Trang (Châu Bính), bản Khun (Châu Hội) và xã Châu Nga. Việc này đã dẫn đến rừng tự nhiên bị mất và suy kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái.

Riêng vụ 21 cây gỗ lim thuộc khu vực rừng lim bảo tồn tại bản Hội 1, xã Châu Hội, Hạt Kiểm lâm cũng như UBND huyện Quỳ Châu đều khẳng định: Đây là rừng trồng và nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, nên không có trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm.

Trao đổi với ông Lê Xuân Đình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, ông Đình cho biết: Vụ 21 cây gỗ lim xanh bị khai thác tại thửa đất số 592, khoảnh 13, tiểu khu 177, tờ bản đồ số 3 thuộc bản Hội 1, xã Châu Hội; đây là khu vực đồi lim được giao cho cộng đồng bản Hội 1 trồng và chăm sóc cách đây 33 năm, diện tích khu rừng khoảng 3ha với khoảng 250 cây lim. Từ năm 2019, do có chủ trương bảo tồn các giống cây bản địa trên địa bàn, nên UBND huyện trích kinh phí (3 triệu đồng) cho UBND xã Châu Hội để quản lý, chăm sóc.

“Vào ngày 6/4 vừa qua, dư luận phản ánh việc chặt hạ 21 cây lim tại đây. Sau khi xác minh, chúng tôi khẳng định 21 cây lim xanh này đã được xã Châu Hội lập phương án và báo cáo xin khai thác. Vì 21 cây lim này được xác định do sâu đục thân gây hại, khiến cây bị chết héo và gãy đổ” - ông Đình nói.

Khi được hỏi, trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm khi để xảy ra việc chặt hạ 21 cây gỗ lim trong diện bảo tồn, ông Đình khẳng định: Đây là khu vực rừng trồng, lại nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, nên không có trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm. Thứ nữa, 21 cây gỗ này đã được xã Châu Hội lập phương án báo cáo khai thác, nên không vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Điều này cũng được lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu thống nhất.

Cũng theo ông Đình, tại hiện trường, qua đối chiếu tọa độ, ngoài 21 cây lim xanh được khai thác trùng khớp với hồ sơ thiết kế được duyệt, có 1 gốc cây chưa đúng với vị trí, tọa độ trong hồ sơ. “Việc này, huyện đã chỉ đạo UBND xã Châu Hội xác minh giải trình, làm rõ để huyện có căn cứ kết luận” - ông Đình cho biết thêm.

Khó kiểm soát

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu cho biết: Công tác bảo vệ rừng luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao, hầu như tháng nào họp chuyên ngành nội chính, vấn đề bảo vệ rừng cũng được đặt lên hàng đầu.

Nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, thậm chí khó kiểm soát, nhất là từ đầu năm đến nay, đã có thêm những dấu hiệu phức tạp. “Sau khi thực hiện việc giao đất, giao rừng theo Quyết định 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh Nghệ An, họ cứ cho rằng sau khi có “chủ quyền” người dân muốn làm gì thì làm trên mảnh đất đó. Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò của chủ rừng khi được nhà nước giao đất gắn liền với giao rừng” - ông Minh cho biết thêm.

Được biết, để ngăn chặn việc phá rừng trái phép, UBND huyện Quỳ Châu đã tăng cường chỉ đạo các ban, ngành cấp xã liên quan rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ đối với các vụ phá rừng trái pháp luật của các hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất theo Nghị định 163/1999/ NĐ-CP của Chính phủ; giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Quyết định 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định: Việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng trên địa bàn có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do phong tục tập quán. Sau khi được giao đất, giao rừng, người dân muốn mở rộng để trồng rừng nguyên liệu, phát triển kinh tế.

“Hiện chúng tôi đã chỉ đạo chủ rừng nào tự ý chuyển nhượng, chuyển đổi rừng bất hợp pháp, hoặc tự ý phát, đốt rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng hoặc để rừng bị khai thác, chặt phá, bị cháy thì tiến hành lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, đề xuất thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, sử dụng rừng theo quy định”- ông Hoài nói.

Được biết, vụ phá hơn 7,8 nghìn mét vuông rừng ở Túm Lụm, xã Châu Bính, hiện Cơ quan điều tra Công an huyện Quỳ Châu đang tập trung điều tra, xác minh đối tượng đã thực hiện hành vi hủy hoại rừng.

Điền Bắc