Dạy bơi cho học sinh tiểu học: Cấp thiết nhưng khó triển khai đồng loạt
Trung bình mỗi năm có hàng trăm vụ việc đuối nước xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế những tai nạn thương tâm như thế, cần đưa việc dạy bơi vào chương trình học của học sinh ngay từ cấp tiểu học. Thế nhưng, đến nay việc này vẫn chưa thể triển khai đồng loạt được, vì sao vậy?
Nỗi đau lặp lại
Ngày 5/4, tại khu vực đập tràn Hợp Thắng trên sông Mậu Khê thuộc xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, hàng trăm người dân đã chứng kiến cảnh tượng tang thương khi cùng lúc 5 học sinh lớp 6 Trường THCS Thiệu Duy đã mãi mãi ra đi vì đuối nước.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Mỗi khi mùa hè đến, tình trạng đuối nước ở trẻ em lại hay xảy ra. Nhất là ở khu vực nông thôn, tai nạn đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị.
Bài học xót xa còn đó. Câu hỏi làm gì để ngăn chặn, giảm thiểu nỗi đau đuối nước ám ảnh nhiều gia đình đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để. Trong đó, việc phổ cập bơi trong trường học được nêu ra như một giải pháp quan trọng, thậm chí là tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Việc đưa môn bơi vào dạy trong trường học (cả trong giờ học thể dục chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, ban hành kế hoạch, văn bản triển khai trong toàn bộ hệ thống trường học của các cấp học trên cả nước. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh.
Anh Trần Văn Thắng (trú xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, hàng năm Đoàn Thanh niên xã thường phối hợp tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ ở khu vực mương được quây lại trong xã vào dịp hè, học sinh được nghỉ học. Tuy nhiên, số lượng học sinh tham gia cũng hạn chế và nhóm cũng chỉ dạy được chủ yếu cho học sinh lớn, các em lứa tuổi tiểu học cần hướng dẫn kỹ càng hơn trong khi thiếu nhân lực dạy bơi nên nhiều gia đình vẫn lo lắng chưa cho con tham gia. “Một số học sinh chủ quan biết bơi rồi nhưng thực tế chỉ bơi được một đoạn ngắn, không được hướng dẫn kỹ thuật thở, nghỉ dưới nước… đúng nên khi gặp nguy hiểm vẫn không thể tự cứu mình, cứu bạn. Rất cần đưa dạy bơi vào trong trường học để trẻ được dạy bài bản, đúng kỹ thuật” - anh Thắng nhấn mạnh.
Không còn tranh cãi về việc cấp thiết đưa bơi lội vào dạy học trong nhà trường, nhưng chị Thanh Thúy (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn còn băn khoăn. Đó là cơ sở vật chất của trường tiểu học con chị đang theo học không thể đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh do diện tích chật hẹp, học sinh đông. “Những năm trước trường có bể bơi phao bơm hơi, tôi tham khảo các khóa trước thầy cô dạy giá cũng rất hợp lý. Tuy nhiên, do bể bé nên các bé không hào hứng lắm, phụ huynh cũng không có mặt lúc con học nên tôi khá lo lắng. Gia đình dự định hè này đăng ký cho con trai học lớp 5 học một khóa bơi chính thức ở bể bơi gần nhà” - chị Thúy chia sẻ và cho rằng, không nên “ép” học sinh học bơi trong nhà trường dù rằng đây là kỹ năng cần thiết cần trang bị cho mọi trẻ do mỗi trẻ một thể trạng, một hoàn cảnh sống khác nhau.
Nỗi lo về cơ sở vật chất
Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn giáo dục thể chất ở cấp tiểu học, THCS và THPT đều không đưa môn bơi vào danh sách các hoạt động bắt buộc giảng dạy trong chương trình mà đưa vào phần thể thao tự chọn cùng với nhiều nội dung khác như bóng đá; bóng chuyền; bóng rổ; cầu lông; đá cầu; khiêu vũ thể thao; các môn thể thao truyền thống của địa phương;... Căn cứ vào điều kiện dạy học của địa phương và nhà trường, định hướng cho học sinh lựa chọn nội dung môn thể thao phù hợp trong số này.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, điều này được xây dựng trên quan điểm chương trình môn Giáo dục thể chất có tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tính đến cuối năm 2020, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Ngay cả ở bậc đại học, chỉ có khoảng 13% các trường có xây dựng bể bơi trong trường. Đó là chưa kể việc vận hành, duy trì, bảo dưỡng bể khi đi vào hoạt động là một thách thức không nhỏ với các nhà trường.
Vì vậy, để phổ cập bơi trong trường học, dù là ở cấp tiểu học hay các cấp học cao hơn vẫn là một khó khăn mà nếu chỉ riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được khi đòi hỏi một nguồn ngân sách lớn, đi cùng với đó là trường phải có quỹ đất đủ rộng, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu.
Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, trong điều kiện phần nhiều các trường chưa được trang bị bể bơi, việc dạy bơi gặp rất nhiều khó khăn thì việc tăng cường giáo dục nhận thức cho học sinh về tác hại, hậu quả, nguyên nhân, nguy cơ đuối nước xảy ra đối với các em là rất quan trọng. Trên thực tế nhiều vụ đuối nước còn xảy ra đối với các trẻ em, học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Điều đó cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc học bơi, biết bơi, thì hoàn toàn chưa đảm bảo an toàn, chưa tránh được tử vong do đuối nước, khi mà trong cuộc sống hàng ngày ngoài thời gian ở trường, các em còn tham gia nhiều hoạt động lao động, sinh hoạt khác nhau.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:
Xã hội hóa trang bị bể bơi trong nhà trường
Có một thực tế cha mẹ, người thân dạy trẻ bơi cũng chưa chắc đúng kỹ thuật nên việc được đào tạo bài bản trong nhà trường là việc rất nên được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu quy định “cứng” mọi trường học phải dạy bơi trong chương trình chính khóa thì sẽ tạo áp lực cho nhà trường do hầu hết cơ sở vật chất thiếu thốn. Từ đó buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức đối phó, không có hiệu quả....
Vì vậy, tôi cho rằng phương án tốt nhất vẫn là tạo điều kiện, tạo cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa trang bị bể bơi trong các trường/cụm trường để dần từng bước đảm bảo cơ sở vật chất. Lúc đó, tự phụ huynh sẽ yên tâm đăng ký học bơi cho con ở trường với chi phí hợp lý hơn nhiều so với các trung tâm.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước rất quan trọng
Trước khi Chương trình GDPT 2018 chính thức “chốt sổ”, nhiều ý kiến đưa ra về việc đưa học bơi vào chương trình học chính khóa thay vì ngoại khóa, là môn học bắt buộc thay vì tự chọn. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là phải “liệu cơm gắp mắm”, không thể “ép” ngành giáo dục làm điều này khi quá khó khăn. Dù vậy, nhà trường hoàn toàn có thể giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục ý thức, kỹ năng phòng, chống và cứu người bị đuối nước.
Cụ thể, cần hướng dẫn trẻ em đâu là nơi an toàn, đâu là nơi không được vui chơi khi không có sự giám sát của người lớn, bao gồm các khu vực ao hồ nguy hiểm…
Khi trẻ đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Không tự ý rủ nhau đi bơi/chơi ở khu vực sông nước kể cả khi đã biết bơi mà không có người lớn giám sát. Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Chỉ bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Ngay cả kỹ năng cứu người bị đuối nước cũng cần phải được hướng dẫn, giảng dạy cho trẻ bởi dù biết bơi, không phải ai cũng có thể cứu người khác khi gặp nguy hiểm, nhất là ở lứa tuổi còn nhỏ, sức có hạn. Cần cân nhắc phương án gọi người lớn tới trợ giúp…
Nhà trường làm tốt công tác phòng ngừa, giáo dục ý thức, rèn luyện kỹ năng, phối hợp với gia đình – xã hội để tập bơi cho trẻ càng sớm càng tốt, dù là ở thành phố hay nông thôn thì sẽ hạn chế được nguy cơ đuối nước.
Hàn Minh(ghi)