Đẩy nhanh các giải pháp cho sự phục hồi

H.Vũ 14/04/2022 08:13

Ngày 13/4, Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội nghị Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế cùng phân tích làm rõ các vấn đề về các giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.

Giới chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng chuyên gia kinh tế đã chia sẻ về cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế đang được Nhà nước triển khai, cũng như chính sách tiền tệ để thích ứng linh hoạt, kịp thời nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Các đại biểu cũng đặt ra những vấn đề trao đổi, liên quan đến dự trữ ngoại hối để giải quyết những vấn đề cấp bách, phát sinh đối với nền kinh tế - xã hội; cách sử dụng, kiểm soát hiệu quả cũng như giải quyết nguồn nợ công; chính sách tài khóa phù hợp để phục hồi nền kinh tế.

Chia sẻ về chuyên đề: “Kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2021-2022 và chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia phân tích thêm về: Chính sách kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới năm 2021-2022, kinh tế Việt Nam năm 2021-2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 của Việt Nam.

Ông Lực nêu rõ: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội. Mặt khác, tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng đã tác động gián tiếp đến nền kinh tế của nhiều nước, khiến giá dầu tăng cao kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng theo. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần tập trung kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, có chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng với những thách thức, sự biến động phát sinh để phục hồi nền kinh tế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ đó theo ông Lực, cần có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an sinh xã hội, chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Về giải pháp, ông Lực cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tốt Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các Nghị quyết khác. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần có chính sách giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu cho biết, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến thể mới, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng cả ở trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Theo ông Tuấn Anh, nhận định của các chuyên gia cho thấy, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2025 có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về kiểm soát gia tăng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lao động việc làm, an sinh xã hội.

“Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19” - ông Tuấn Anh nói đồng thời nhấn mạnh: “Đây là một quyết nghị chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, được dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao; khẳng định Quốc hội luôn chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới để không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới”.

H.Vũ