Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Tác động tiêu cực của đại dịch, “bão giá”… dồn dập, bản thân nhiều doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều để tồn tại, phát triển.
Bà Trần Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Mai Hoa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, doanh nghiệp (DN) Mai Hoa mới hoạt động được hơn 2 năm nay, chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây quế rừng. Thời gian qua, “bão giá” khiến chi phí sản xuất kinh doanh của DN tăng lên khoảng 25%. Trong đó, phần lớn đến từ chi phí vận chuyển do giá xăng dầu tăng cao, tăng chi phí cho bao bì, nguyên liệu… Với mức tăng như vậy buộc công ty của bà Hạnh phải có những điều chỉnh, thay đổi dần cho phù hợp. Chẳng hạn như phải giảm các chi phí marketing, bán hàng, các chi phí trong nội bộ để không ảnh hưởng đến giá thành, từ đó sẽ không tăng giá bán sản phẩm. “Chúng tôi vốn dĩ là DN nhỏ nên giữa “bão giá” sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn DN lớn. Còn với chi phí marketing, lúc trước công ty có sử dụng đa kênh, trong đó có phát triển website, Tik tok…, nhưng trong giai đoạn này, do nguồn vốn hạn hẹp, để tiết kiệm tối ưu thì công ty chỉ tập trung quảng bá trên nền tảng các mạng xã hội. Ngay bản thân giám đốc công ty cũng tự đi kết nối mối quan hệ với nhà phân phối ở các tỉnh, thành nhằm bán hàng tốt hơn”, bà Hạnh nói.
Bàn về đổi mới sáng tạo cho các DN nhỏ, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Hạnh chia sẻ, hiện giờ công ty chủ yếu dồn lực bán hàng trực tuyến (online) trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và trên fanpage. Và kênh bán hàng online này đang chiếm từ 60 -75% doanh thu.
Còn ông Phan Quốc Hiếu - Tổng Giám đốc CTCP thủy sản Hải Phan - một DN chuyên sản xuất, phân phối đồ hải sản đã qua chế biến tại Long An chia sẻ, các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đã tăng giá mạnh từ 20% - 25%. “Tuy vậy, do sản lượng sản xuất còn thấp và trước đó có tích trữ lượng nguyên liệu nhất định nên công ty vẫn cố gắng giữ giá thành sản phẩm và hiện chỉ tăng dưới 10% giá bán sản phẩm. Mặc dù vậy, trong tương lai vẫn chưa biết được sẽ tăng giá bán như thế nào” - ông Hiếu bộc bạch. Vị giám đốc này cho biết, hơn 80% doanh thu của công ty đang đến từ kênh phân phối truyền thống thông qua các đại lý, hệ thống bán lẻ ở các tỉnh, thành. Với kênh online thì doanh thu còn khá thấp, do nguồn lực có hạn nên công ty chưa thể phát triển mạnh ở kênh bán hàng này. Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, vì là DN nhỏ nên hiện tại chỉ muốn ổn định bộ máy trước, chưa muốn đi quá nhanh. Chính vì thế, ngay cả nhu cầu về vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, công ty chưa dám nghĩ đến nhiều.
Những chia sẻ của bà Hạnh và ông Hiếu đã phản ánh phần nào những cố gắng trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhỏ giữa giai đoạn khó khăn, giá cả leo thang. Mặt khác, cũng cho thấy những giới hạn nhất định các DN trong giai đoạn này. Như lưu ý của ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit (Bình Dương), tư duy mới vẫn là quan trọng nhất để DN nhỏ, DN khởi nghiệp vững tin hơn trên con đường mình đi. “Khi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ bản chúng ta đều là các thành phần “yếu thế”, nhưng chúng ta vẫn làm, làm vì tình yêu với sản phẩm, với quê hương, với những gì hàng ngày sống với nó”, ông Viên nói.
Ông Viên cho rằng, những khát vọng, sự nỗ lực, cần cù của mình, cộng với tài nguyên bản địa sẽ mang lại triển vọng cho DN nhỏ. Vấn đề là phải có thị trường thì họ sẽ thành công. Tuy nhiên, xét về nguồn vốn, họ là những DN “yếu thế” nên khó tiếp cận với các đơn vị tài chính, ngân hàng, nhất là các ngân hàng luôn đòi hỏi các tài sản thế chấp. Còn đối với tín chấp thì các DN khởi nghiệp hầu như không có. “Đó là sự yếu thế của họ. Nhưng họ vẫn đang rất nỗ lực. Thậm chí là có những người bán xe, bán nhà để dành hết tâm huyết cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Viên nói.
Trước nhiều khó khăn như vậy, DN nhỏ rất cần sự quan tâm, động viên, khích lệ và cả sự hỗ trợ hiệu quả từ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm. Và quan trọng hơn nữa, đó là tự thân các DN này cần tìm thêm những giải pháp, cách thức để “lấy ngắn nuôi dài”.