Bứt phá nhờ chuyển đổi số

H.Hương - M.Sang 15/04/2022 07:29

Chuyển đổi số đang là xu hướng và là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất. Theo các chuyên gia, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ mất khả năng cạnh tranh, nặng nề hơn là sẽ bị loại khỏi thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng là thách thức, nhất là với doanh nghiệp Việt Nam...

Để chuyển đổi số thành công, lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Ảnh: Trần Việt

Giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Trong xu thế hội nhập, nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp tại Việt Nam sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh trong những thập kỷ tới. Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19, chiến tranh thương mại diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn. Vì thế yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu.

Ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp DN kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển dịch từ sản xuất gia công truyền thống sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm.

Để chuyển đổi số thành công, DN cần chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại.

Tại công ty TNHH Việt Thắng Jean, công nghệ tự động hoá kết nối trên nền tảng Internet dần thay thế người lao động. Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế cho vị trí của 800 công nhân. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động, mà còn giảm rủi ro đứt gẫy sản xuất.

Đại diện Việt Thắng Jean cho hay, theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm mất khoảng 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây.

Hay như tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, nhờ tự động hóa nhiều khâu nên năng suất lao động được cải thiện vượt bậc. Nếu như trước đây, một công nhân đứng chạy một máy thì nay có thể điều chỉnh ba máy một lúc.

Hiện TNG đã trang bị hệ thống máy cắt tự động, máy chạy vải tự động, máy may tự động, hệ thống in tự động…

3/4 các doanh nghiệp đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19.
Nguồn ảnh: VnEconomy

Hướng tới giải pháp quản trị tổng thể

Chuyển đổi số đang là xu hướng và là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất. Theo các chuyên gia, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ mất khả năng cạnh tranh, nặng nề hơn là sẽ bị loại khỏi thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng là thách thức, nhất là với doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính, nhân lực.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây…

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi số. Theo đó, có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thì cho rằng, yếu tố cơ bản nhất của chuyển đổi số là nền tảng số. Nền tảng số là giải pháp đột phá để chúng ta phổ biến công nghệ số trở thành một dịch vụ và biến công nghệ số trở thành yếu tố đầu vào trong sản xuất như điện, nước... Khi đó, chúng ta sẽ chuyển đổi số thành công vì công nghệ số đã thấm được vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việt Nam có khoảng 870.000 DN, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Do đó, để hỗ trợ bộ phận doanh nghiệp này chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2022 Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nỗ lực đồng hành với 63/63 địa phương vào cuộc triển khai chương trình thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Và từ ngày 26/3/2021, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đã được phê duyệt. Chương trình đã xây dựng Cổng Smedx.vn, để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ kết nối được với 23 nền tảng số “Make in Việt Nam”, mà còn thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức chuyển đổi số hiệu quả, phù hợp.

Việt Nam có khoảng 870.000 DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Từ ngày 26/3/2021, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đã được phê duyệt. Chương trình đã xây dựng Cổng Smedx.vn, để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ kết nối được với 23 nền tảng số “Make in Việt Nam”, mà còn thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức chuyển đổi số hiệu quả, phù hợp.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp “cá mập” nước ngoài “đè bẹp”.

Hiện nay, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, vạn vật hấp dẫn (IoT)... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai.

Đây chính là một lợi thế quan trọng so với trước đây nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Dr SME nói rằng luật chơi trong tương lai sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập”, nếu không nỗ lực chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em”.

Chính vì vậy, nếu dũng cảm bước vào hành trình chuyển đổi số thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt của địa phương mình để vươn lên phát triển, xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu.

"Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng mà cần quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà doanh nghiệp đang có", ông Vũ Tuấn Anh cho biết.

Còn theo nhận định của ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, DN tích cực trong chuyển đổi số để hòa cùng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thành công, quá trình chuyển đổi số phải gắn với chiến lược kinh doanh thực, nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ và phải có ý nghĩa lan tỏa đối với doanh nghiệp, kết nối đối tác với khách hàng và sản phẩm. Doanh nghiệp chuyển đổi số cũng cần đảm bảo 5 yếu tố, bao gồm: tư duy nhận thức của người đứng đầu, cuộc cách mạng về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng và tinh thần doanh nghiệp sáng tạo.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như phát triển kênh bán hàng, mở rộng khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, cho phép thực hiện mô hình kinh doanh không tiếp xúc, hay tối ưu hóa chi phí vận hành.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số như chi phí đầu tư và ứng dụng công nghệ lớn, thiếu nhân sự có năng lực về công nghệ thông tin để hỗ trợ chuyển đổi.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hướng tới giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất

Những diễn biến dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi số.

Thực tế nếu trước đây, việc quản trị DN được hỗ trợ bởi một số phần mềm đơn lẻ như kế toán, bán lẻ, quản lý kho... thì hiện nay, các DN đang hướng tới giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất mọi hoạt động của DN.

Giải pháp này sẽ đem lại sự linh hoạt và đáp ứng được những thay đổi liên tục về quy mô cũng như cơ cấu hoạt động của DN.

T.Hằng

H.Hương - M.Sang