TP Hồ Chí Minh: Không để người dân thiếu nước sạch

LÊ ANH 15/04/2022 07:56

Dù 100% người dân trên địa bàn TP HCM hiện đã được tiếp cận nguồn nước sạch, nhưng các nguy cơ từ xâm nhập mặn, ngập lụt và ô nhiễm xả thải vẫn đang đặt ra thách thức về an ninh nước sạch của đô thị này.

An ninh nguồn nước đang được TP HCM đặc biệt quan tâm trước các thách thức từ xâm nhập mặn, ngập lụt và ô nhiễm xả thải.

Sụt giảm nguồn nước dự trữ

Thách thức trước hết đến từ tình trạng sụt giảm nguồn dự trữ nước ngầm do quá trình khai thác quá mức kéo dài, trong khi chất lượng nước sinh hoạt hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) công bố mới đây với 160 mẫu nước giếng khoan và nếu áp theo quy chuẩn đánh giá của Bộ Y tế thì 100% mẫu này không đảm bảo về sức khỏe.

Từ năm 2015 đến nay, HCDC đã lấy khoảng 1.400 mẫu nước giếng khoan và kết quả xét nghiệm cho thấy tỉ lệ nước không đạt chỉ tiêu hóa lý đều vượt 70%, chỉ tiêu về vi sinh không đạt từ 2 - 5%. Trong đó, các khu vực khảo sát tại quận 12, Bình Tân, Tân Bình, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn có tỉ lệ mẫu nước không đạt tiêu chuẩn nhiều nhất.

Chia sẻ về thực tế kể trên, Tiến sĩ Hà Quang Khải - giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, thói quen sử dụng nước giếng khoan của người dân TP HCM đã khiến nước ngầm bị khai thác quá mức suốt một thời gian dài, trung bình từ 700.000 m3/ngày. Nếu không thể kiểm soát được tình trạng này hoặc người dân không thay đổi thói quen sử dụng nước sinh hoạt còn khiến đô thị này đối diện với cả vấn đề sụt lún mặt đất.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện nay Luật Tài nguyên nước có quy định rất rõ về hoạt động khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm. Trong đó, từ trên 3.000 m3/ngày đêm trở lên thì cá nhân, tổ chức bắt buộc phải nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Tài nguyên nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Đồng thời, Nghị định số 36/2020 của Chính phủ cũng quy định rất cụ thể mức xử phạt đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép. Thế nhưng, cũng theo Luật sư Tâm thì hiện nay việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn hết sức hạn chế và số vụ việc sử dụng sai phép, không phép bị phát hiện xử lý vẫn “nhỏ giọt” so với mức độ sụt giảm nguồn nước ngầm đang diễn ra ngày càng trầm trọng tại TP HCM.

Ngoài khai thác nước ngầm quá mức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây lượng mưa không đều cũng cho thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong trung và dài hạn. Ngay cả khi nguồn dự trữ nước ngầm của TP HCM đã được duy trì cho khu vực các quận trung tâm nhưng cũng đang bị sụt giảm nghiêm trọng.

Kèm theo đó, ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và khu vực quận Tân Bình đã được báo cáo, thế nhưng giải pháp cụ thể để ứng phó vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Trách nhiệm không của riêng ai

Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, qua khảo sát khu vực Bình Chánh có nguồn nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên thành phố có kế hoạch giảm từ từ việc khai thác tài nguyên nước dưới đất.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng thực hiện cấp phép lưu lượng khai thác giảm dần, với thời hạn cấp phép tối đa 2 năm và sau thời hạn này sẽ xem xét doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định hay không mới cấp phép lại. Về phía người dân, Sở này cũng có kế hoạch hàng năm phối hợp với từng quận, huyện để rà soát danh sách hộ dân đã có đường nước sinh hoạt hoặc chưa được lắp đặt.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhã thì TP HCM vẫn gặp rất nhiều khó khăn để kiểm soát được mục đích sử dụng tài nguyên nước đối với nhóm đối tượng cá nhân, hộ gia đình trong một thời gian dài.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM cho rằng, khi thành phố cung cấp đồng hồ nước để sử dụng nước sạch cho người dân nhưng người dân vẫn không sử dụng thì đó là một thất bại rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động. Theo ông Ninh, con số 173.000 đồng hồ nước trong tổng số hơn 1,5 triệu đồng hồ nước được cung cấp nhưng chưa được sử dụng là một con số biết nói, rất nhức nhối.

Do đó, chính quyền các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và các quận 12, Gò Vấp và Bình Thạnh cần phải có giải pháp hết sức cụ thể, trong đó chú trọng vào tuyên truyền, vận động người dân xây dựng thói quen sử dụng nguồn nước sạch.

Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), để 100% người dân được sử dụng nước sạch, thành phố cần một nguồn kinh phí rất lớn để cung cấp mạng lưới cấp nước. Tuy nhiên bất cập nảy sinh hiện nay là dù đơn vị ưu tiên gắn đồng hồ nước cho người dân nhưng khảo sát tại nhiều khu vực cho thấy nhiều hộ dân được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng.

LÊ ANH