Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tránh vừa khen thưởng xong lại xét kỷ luật
Ngày 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu: Công tác thi đua khen thưởng phải sáng tạo hơn, thiết thực hơn, đi đúng trọng tâm, trọng điểm.
Tham dự cuộc họp còn có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó Chủ tịch Hội đồng.
Càng khó khăn càng đoàn kết, càng sáng tạo
Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất nhận định, năm 2021 là năm đặc biệt. Đất nước diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Trong năm 2021, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã đôn đốc các bộ, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương tổ chức các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm, cao điểm là các đợt thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thi đua chào mừng bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Bên cạnh việc phát động phong trào thi đua tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua phòng, chống dịch bệnh, động viên các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng: Cần tiếp tục đánh giá, tổng kết, nghiên cứu, có hình thức phù hợp để lưu giữ, tôn vinh những chiến công, thành quả to lớn trong phong trào thi đua phòng, chống dịch vừa qua. Theo đó, 58 triệu người được hỗ trợ về an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh là con số lịch sử.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc phòng, chống dịch Covid-19 là một “cuộc chiến” thực sự khốc liệt và cam go, nhưng càng khó khăn càng đoàn kết, càng sáng tạo. Trong khó khăn, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ với nhiều tấm gương sáng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bộ trưởng cho biết, bình quân các năm trước, chúng ta hỗ trợ cao nhất là 1 triệu người trong 1 năm, nhưng riêng năm 2021 hỗ trợ trên 50 triệu người với tổng kinh phí hơn 80.000 tỷ đồng đến nay.
Nhận thức về thi đua khen thưởng còn chưa đầy đủ
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Hội đồng và phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua, khen thưởng.
Thủ tướng nhắc lại, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi hết sức kịp thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ đã phát động và ban hành Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 về kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, toàn diện.
Thủ tướng cũng đánh giá, công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, kịp thời khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất và công tác, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có nơi có lúc chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc khen thưởng có nơi, có lúc chưa phản ánh hết được hết tinh thần yêu nước của nhân dân.
Nhấn mạnh năm 2022, tình hình được dự báo sẽ có khó khăn, thách thức, Thủ tướng yêu cầu, công tác thi đua khen thưởng phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, thiết thực hơn, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, phục vụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của cấp ủy các cấp.
“Trong nhiệm kỳ này các phong trào thi đua cần góp phần thúc đẩy việc xóa 100.000 căn nhà dột nát tại tất cả 74 huyện nghèo bằng nguồn lực Nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho người có công, gia đình chính sách, vùng chiến khu cách mạng, những khu vực khó khăn” -Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng lưu ý, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục kiểm tra, rà soát, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, kịp thời, dứt khoát chống tiêu cực, “chạy chọt” trong thi đua khen thưởng, tránh vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, tình hình càng khó khăn, thách thức, phức tạp càng phải thúc đẩy thi đua yêu nước, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chúng ta vượt qua các khó khăn, thách thức