Biển số giả tràn lan: Phạt nhẹ nên dân có vẻ ‘nhờn’ luật?
Tất cả những trường hợp sử dụng biển số giả, dù vô tình hay cố ý đều vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi sử dụng biển số giả đã và đang gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan chức năng.
Ngoài các hậu quả về tài chính do lái xe sử dụng biển giả để tránh phạt nguội thì việc gian lận biển số xe tiềm ẩn các hậu quả to lớn khác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm
Biển số xe được gọi theo thuật ngữ chuyên ngành là “biển kiểm soát”, tức nó dùng để lực lượng chức năng kiểm soát một phương tiện cơ giới, gồm: lịch trình di chuyển, số khung số máy của phương tiện, đặc điểm nhận dạng của chủ phương tiện và phương tiện.
Tất cả các thông tin này phục vụ cho hoạt động an ninh hay cụ thể trong một số trường hợp là điều tra, truy vết tội phạm.
Tuy nhiên, nếu lái xe sử dụng biển số xe giả thì sẽ tạo ra thông tin sai lệch, ảnh hưởng xấu đến công tác an ninh hoặc nghiêm trọng hơn là làm sai lệch hướng điều tra trong các vụ án hình sự (nếu có).
Liên quan tới vấn đề này, thông tin với Đại Đoàn Kết Online, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy vào từng loại xe và dung tích xi lanh thì sẽ được các cơ quan có thẩm quyền khác nhau tiến hành đăng ký xe và cấp biển số xe.
Trong phạm vi bài viết đang đề cập đến vấn đề biển giả, là vấn đề thường xảy ra đối với các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Về thẩm quyền cấp biển số xe cho các cá nhân, tổ chức mà không phải là cơ quan nhà nước hoặc cơ quan ngoại giao, thì thường do Công an cấp tỉnh và Công an cấp huyện thực hiện.
Tuy nhiên, luật sư Tiền cũng nhìn nhận, hiện nay hành vi mua bán, sử dụng và sản xuất biển số xe giả đang diễn ra tràn lan và thiếu sự kiểm soát, bất chấp các quy định của pháp luật cũng như các chế tài xử phạt có thể phải đối mặt nếu các hành vi trên bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Luật sư Tiền cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, các loại xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Vì vậy, các trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”, căn cứ vào Điều 16, 17, 19 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Theo đó, mức phạt đối với lái xe ô tô là 4 - 6 triệu đồng; chủ nhân chiếc xe ô tô là cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 8 - 12 triệu đồng.
Đối với phương tiện là xe máy, thì lái xe bị phạt 300.000 - 400.000 đồng; chủ nhân chiếc xe máy là cá nhân thì bị phạt 800.000 - 2.000.000 đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 1,6 - 4 triệu đồng.
Đối với trường hợp làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.
Luật sư Tiền cho biết thêm, đối với hành vi sử dụng thiết bị che, lật biển số, theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng nếu gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
Trường hợp người điều khiển xe sử dụng thiết bị lật kèm biển số giả sẽ bị phạt bổ sung tước bằng lái 1 - 3 tháng và tịch thu biển số vi phạm. Đối với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 300.000 - 400.000 đồng với vi phạm tương tự.
Chế tài chưa đủ mạnh
Hành vi sử dụng biển số giả đã và đang gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài các hậu quả về tài chính do lái xe sử dụng biển giả để tránh phạt nguội thì việc gian lận biển số xe tiềm ẩn các hậu quả to lớn khác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, thực trạng việc sản xuất và sử dụng biển số xe giả tràn lan hiện nay là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó rõ ràng nhất là xuất phát từ cả hai phía. Đó là cơ quan có trách nhiệm quản lý và những người vi phạm.
Về phía quản lý, luật sư Tiền nêu quan điểm: “Mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là chưa đủ răn đe. Mức phạt này còn quá nhẹ so với những người đủ điều kiện kinh tế để mua và sử dụng xe ô tô”.
Do mức xử phạt nhẹ nên đã dẫn tới việc các đối tượng có tâm lý không ngại vi phạm để đạt được mục đích.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, kiểm soát, truy bắt và xử phạt đối với hành vi sử dụng biển giả cũng gặp nhiều khó khăn, do hoạt động này phải diễn ra trực tiếp, đòi hỏi sức tập trung chuyên môn cao.
Về phía người vi phạm, việc sử dụng biển giả chủ yếu nhằm các mục đích bất chính như trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, hoặc dùng để bỏ trốn khi đã phạm tội hoặc bị đe dọa.
Trong hoàn cảnh xã hội diễn biến phức tạp, các hành vi này ngày càng nhiều và tương ứng với đó, hoạt động sản xuất biển giả cũng diễn ra rầm rộ, chuyên nghiệp để phục vụ nhu cầu sử dụng biển giả cho các mục đích khác nhau.
Để nâng cao hiệu quả công tác cấp và quản lý biển số xe, luật sư Tiền cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo đủ tính răn đe với những người vi phạm và có ý định vi phạm.
Đồng thời nếu có dấu hiệu của tội phạm, cần điều tra, truy tố và xét xử nghiêm khắc, góp phần làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật nói chung cũng như tăng hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực cấp biển số.