Chuẩn bị 'thảm đỏ' đón nhà đầu tư xanh
Lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ chuẩn bị hệ sinh thái để đón một làn sóng đầu tư xanh từ các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Theo nhận định của một số sở, ngành TP HCM, hiện nay rất nhiều DN quan tâm đầu tư tại TP HCM và bày tỏ mong muốn đồng hành cùng thành phố phát triển. Tuy nhiên, để tăng khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, theo bà Lâm Diệu Tâm Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng Kizuna, TP HCM cần đầu tư đa dạng khu công nghiệp để thu hút cộng đồng DN vừa và nhỏ cũng như DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối.
“Nhóm DN vừa và nhỏ, nhất là DN hoạt động trong 4 lĩnh vực cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin chế biến, chế tạo được xem là nền tảng để hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng hấp dẫn để thu hút DN FDI” - bà Hiếu cho biết.
Liên quan vấn đề này, đại diện Tập đoàn Công nghệ Unicloud mong muốn, tham gia vào triển khai vận hành các hệ thống công nghệ thông tin của thành phố; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp này sẵn sàng hiến kế chuyên sâu với thành phố để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Về chủ trương xây dựng thành phố thông minh, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ để xây dựng một đề án tổng thể, bao gồm các giải pháp về phần cứng và phần mềm.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cho biết, hiện tổng thu ngân sách thành phố tăng 3% so với cùng kỳ. Dự án FDI giảm 30% số lượng nhưng tăng 8% quy mô vốn. Đặc biệt, có đến hơn 50% số DN đang hoạt động mở rộng vốn đầu tư.
TP HCM ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực R&D. Cùng với đó, ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng khẳng định, thành phố tiên phong xây dựng đô thị thông minh, cái nôi cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, với hơn 2.000 startup, chiếm khoảng 50% startup cả nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được và kịp thời thích ứng với những dự báo về sự thay đổi của kinh tế trong và ngoài nước, ông Hoan cho biết, trong thời gian tới TP HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Trong đó, sẽ chuẩn bị hệ sinh thái đón một làn sóng FDI xanh.
Nói về chiến lược thu hút đầu tư trong và ngoài nước, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ vui mừng khi thành phố vừa kiểm soát được dịch Covid-19, đang phục hồi kinh tế cũng là lúc các nhà đầu tư lớn tìm đến.
Ông Mãi cho rằng, trong mục tiêu phát triển, TP HCM tập trung phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng số.
Cụ thể là phát triển đường bộ, đường sắt, đường thủy, logistics… phát triển hạ tầng xã hội về nhà ở, giáo dục, y tế… phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đây là 3 lĩnh vực thành phố chú trọng và mong muốn có sự hợp tác lâu dài.